Hàng năm, cứ đến ngày mùng 8 tháng 2 Âm lịch, tín đồ Phật tử khắp nơi lại thành tâm tưởng niệm ngày xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa, người đã bỏ lại vương quyền, từ giã vợ đẹp con xinh, vượt thành xuất gia, tìm cầu chân lý giải thoát để cứu mình và cứu vạn loại chúng sanh, để rồi trở thành bậc Đại Giác Ngộ, thành Phật Thích Ca Mâu Ni, thành vị giáo chủ của Phật giáo, một tôn giáo vĩ đại trên thế giới.
Thái tử Tất Đạt Đa là hoàng thái tử con vua Tịnh Phạn, thông minh và đức độ hơn người, vốn đã yên bề gia thất với vợ đẹp con ngoan, sẽ kế tục vua cha để trị vì thiên hạ. Thái tử có một cuộc sống vương giả, ngập tràn hạnh phúc trong thế gian, nhưng Thái Tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn, thắc mắc. Ngài thấy cảnh đời Ngài đang sống không phải là hạnh phúc chân thật, mà là mê muội. Vì tình thương bao la vô bờ bến đối với nhân loại đang khổ đau, bất hạnh, Ngài quyết chí ra đi để tìm một lối thoát, một cuộc sống chân thật, có ý nghĩa và cao đẹp hơn. Đó chính là hy sinh cao cả mà mọi người trên thế gian này không ai có thể làm được!
Từ nhỏ, Thái tử đã sớm nhận ra được sự khổ đau của chúng sanh trong cõi đời này. Ngài đã nhận thấy tất cả mọi người, ngay cả bản thân ngài là một vị Thái tử, cũng không thể nào thoát khỏi cảnh già, bệnh và chết. Mặt khác, qua hình ảnh thanh tao, thoát tục của vị Sa Môn mà Thái tử đã có duyên gặp mặt, cùng với những lời dạy của vị Sa Môn ấy đã phần nào giúp Thái tử thấy được con đường dẫn đến giác ngộ, vĩnh viễn thoát ly mọi khổ đau và bất hạnh của đời người. Từ đó, Thái tử nuôi dưỡng quyết tâm từ bỏ gia đình, xuất gia cầu đạo.
Thế là, vào đêm mồng 8 tháng 2 âm lịch, Thái tử đã từ giã phụ vương, từ bỏ ngai vàng, từ giã vợ con, từ bỏ cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc của một hoàng tử, cùng với người hầu cận tên là Xa Nặc và con ngựa Kiền Trắc, lặng lẽ vượt thành Ca Tỳ La Vệ để lên đường tầm sư học đạo, quyết tìm cho được con đường giác ngộ, giải thoát khỏi mọi ràng buộc, hệ lụy của thế gian. Lúc đó, Thái tử Tất Đạt Đa mới 19 tuổi. Khi tới bờ sông A-nô-ma, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Xa-nặc và lệnh cho Xa-nặc trở về báo với phụ hoàng. Còn Thái tử thì một mình ra đi, với bộ trang phục giản dị của một người tu sĩ. Từ đó Ngài bắt đầu cuộc sống mới, một cuộc sống không nhà của người xuất gia cầu đạo, để sau này trở thành Bậc Giác ngộ Vô Thượng, bậc Thầy của trời người.
Do đó, kỷ niệm ngày Phật xuất gia là nhằm nhắc nhở hàng Phật tử tại gia cũng như xuất gia noi theo gương sáng của Ngài để tinh tấn tu hành, để tăng trưởng trí tuệ và để giải thoát.
Đối với người Phật tử tại gia, cử hành lễ kỷ niệm ngày Phật xuất gia là nhắc lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của Phật. Điều này giúp người tại gia tăng trưởng niềm tin, gia tăng sự tinh tấn cũng như trưởng dưỡng những yếu tố nuôi dưỡng tâm linh của mỗi một người con Phật, nhằm đem lại sự an lạc cho gia đình và người xung quanh. Bên cạnh đó, nhìn lại gương của Ngài, một vị Hoàng Thái Tử dám từ bỏ cung vàng điện ngọc đi vào rừng sâu núi thẳm để tu hành, người Phật tử tại gia sẽ ý thức được rằng những dục lạc, những hạnh phúc của thế gian chỉ là tạm bợ, không phải là chân hạnh phúc. Tuy người tại gia chưa hoàn toàn từ bỏ được chúng, nhưng không nên tham đắm hay dính mắc vào ngũ dục quá nhiều, chỉ nên xem những thứ ấy như là phương tiện để sinh sống mà thôi.
Còn Đối với người xuất gia thì ý nghĩa của ngày Phật xuất gia không thể nghĩ bàn, bởi lẽ xuất gia là sự quyết định cho một lối rẽ của cuộc đời, tiến bước đi lên trên con đường giải thoát. Kỷ niệm ngày Phật xuất gia giúp cho người Tu sĩ nhìn lại gương hạnh của Đức Từ Phụ mà quyết chí tu hành, học theo kinh nghiệm tu tập của Ngài và thực hành theo những lời vàng ngọc mà Ngài đã dạy để được an lạc, hạnh phúc, giải thoát trong đời này và đời sau, để xứng đáng là bậc Trưởng Tử của Như Lai.
Như vậy, lễ kỷ niệm ngày xuất gia của Đức Phật dù được tổ chức dưới hình thức nào đi nữa, cũng không ngoài sự tán thán công đức cao vời của Đức Từ Phụ, thông qua đó mà khuyến khích những người con Phật, dù là xuất gia hay tại gia, đều phải tinh tấn tu tập để thoát ly khổ ải, đến với bến bờ giải thoát, giác ngộ.