Đức Phật Di Lặc là hiện thân của niềm hoan hỷ, của sự hạnh phúc. Hằng năm, cứ đến mùa xuân ngập tràn hương sắc thì trong các chùa, các tự viện ở Việt Nam chúng ta thường thấy giăng những tấm băng-rôn đề dòng chữ “Mừng Xuân Di Lặc”.
Theo kinh sách ghi lại thì ngài Di Lặc là một nhân vật lịch sử có thật ở Ấn Ðộ thời Phật Thích Ca còn tại thế. Di Lặc là tên tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Từ Thị. Ngài còn có tên là A Dật Ða, Trung Hoa dịch là Vô Năng Thắng. Theo thói quen, chúng ta thường gọi Ngài là Phật Di Lặc, kỳ thật, Ngài chỉ là một vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, hiện đang ở nội viện thiên cung của cõi trời Ðâu Suất. Theo lời huyền ký của Đức Phật Thích Ca, thì sau này, Ngài Di Lặc sẽ hạ sanh xuống cõi Ta Bà, tu hành rồi thành Phật dưới cội cây Long Hoa. Cho nên Ngài mới có tôn hiệu là Đương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật.
Ngày nay, trong các chùa thuộc hệ phái Phật giáo Bắc Tông đều tôn thờ hình tượng Phật Di Lặc có thân tướng mập mạp, bụng to, tai dài và miệng cười toe toét. Và thỉnh thoảng chúng ta còn thấy có hình tượng Đức Phật Di Lặc có 6 đứa con nít bu chung quanh Ngài, đứa thì móc lỗ tai, đứa thì móc mắt, móc miệng… Hình tượng ấy tưởng như là một trò đùa, nhưng đó là hình tượng mang một ý nghĩa rất thâm sâu, ngụ ý rằng, dù cho 6 tên giặc (6 trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) có quậy phá đến đâu, cũng không làm cho tâm Ngài bị dao động, vì sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) của Ngài đã hoàn toàn thanh tịnh.
Sở dĩ có hình tượng Phật Di Lặc với thân tướng mập mạp, bụng to tròn, lỗ tai dài và miệng cười toe toét là do người ta y cứ vào hình tượng ngài Bố Ðại Hòa Thượng (vị hòa thượng mang túi vải lớn) ở vào thời Ngũ Ðại, khoảng thế kỷ thứ 10 bên Trung Hoa, để tạo tác, đắp tượng tôn thờ.
Điểm đặc biệt nhất mỗi khi nhìn vào tượng Phật Di Lặc chính là nụ cười hoan hỷ của Ngài, nụ cười ấy thể hiện tấm lòng bao dung độ lượng không bờ bến. Nụ cười của Phật Di Lặc đem lại cho người nhìn cảm giác bình an, thanh thản nhẹ nhàng. Nụ cười ấy là nụ cười của từ bi, của hỷ xả, vô cùng cao quý, có thể làm tiêu tan hết mọi thù hận, ghen ghét, làm tan biến mọi khổ đau, phiền não, diệt trừ hết mọi ma vương, quỷ dữ trong lòng dạ con người. Tướng lỗ tai dài của Ngài thì biểu thị sự từ ái, lắng nghe mọi người, ai khen cũng cười, ai chê cũng cười, chẳng phật lòng ai. Tướng bụng to tròn thể hiện lòng từ bi rộng lớn, chứa hết mọi chuyện vui buồn của thế gian.
Bố Đại Hòa Thượng được biết đến như là một hóa thân của Bồ Tát Di Lặc, vì trước khi viên tịch, Bố Đại Hòa Thượng có để lại bài kệ sau đây:
Di Lặc chơn Di Lặc
Hóa thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn giai bất thức
Nghĩa là:
Di Lặc thật Di Lặc
Biến trăm ngàn ức thân,
Thường hiện trong cõi đời,
Người đời chẳng ai biết.
Nhờ vào bài kệ này mà người ta mới biết Bố Ðại Hòa Thượng là hóa thân của Bồ Tát Di Lặc. Và cũng từ đó, người ta đã lấy ngày viên tịch của Bố Đại Hòa Thượng, ngày 01/1/ÂL, làm ngày vía của Đức Phật Di Lặc.
Ngày vía của Đức Phật Di Lặc cũng chính là ngày mùng một Tết nguyên đán của người Việt Nam, nên ngày ấy còn được gọi là Ngày Xuân Di Lặc, và mừng Tết đến xuân về còn được gọi là Mừng xuân Di Lặc. Để cho ngày đầu năm mới được trọn vẹn ý nghĩa, thì chúng ta hãy thực hành hạnh nguyện của Đức Phật Di Lặc, hãy từ bi yêu thương tất cả muôn loài chúng sinh, hãy hỷ xả, bao dung cho tất cả mọi lỗi lầm mà người khác đã gây ra, hãy hóa giải mọi oán thù, giữ tâm bình lặng và tràn đầy hỷ lạc trước mọi chướng duyên, nghịch cảnh của cuộc đời. Nếu làm được như thế thì ngày mùng một Tết của chúng ta sẽ tràn đầy năng lượng của tình yêu thương, chữa lành bao tật bệnh, đau khổ cho mình và cho người. Nhờ vậy mà chúng ta sẽ có được một năm mới tràn đầy an lạc, hạnh phúc, tương lai của chúng ta sẽ được tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn.
Minh Nguyên tổng hợp