Ý nghĩa ngày Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng còn gọi là tết Nguyên Tiêu, hay tết Thượng Nguyên, là ngày rằm đầu tiên của năm mới. Tết Nguyên Tiêu là dịp lễ Tết quan trọng nên ông bà ta có câu: “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày rằm tháng Giêng”.

Vào ngày rằm tháng Giêng, mọi người thường làm mâm cơm để cúng rằm. Tùy vào điều kiện kinh tế và phong tục tập quán, mà mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng của mỗi gia đình có thể khác nhau, nhưng đều thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với Phật, Thánh, ông bà, tổ tiên, cầu mong một năm an lành, may mắn và nhiều tài lộc.

Theo truyền thống của Phật giáo Nam tông, ngày rằm tháng Giêng cũng là ngày trăng tròn tháng Magha, là ngày lễ kỷ niệm Đại hội chư Thánh tăng. Khi đức Phật còn tại thế, có 1250 vị Tỳ-kheo không hẹn mà cùng đến đảnh lễ Ngài tại tinh xá Trúc Lâm vào ngày trăng tròn tháng Magha theo lịch Ấn Độ (tức ngày Rằm tháng Giêng, Âm lịch). Các vị Tỳ-kheo đó đều là Thánh Tăng A-la-hán. Nhân đây, đức Phật thuyết giảng kệ Ovada-patimokkha, là giới luật căn bản và giáo pháp giải thoát của người xuất gia. Vì thế, ngày Rằm tháng Giêng được xem là ngày lễ kỷ niệm Đại hội chư Thánh Tăng tại tinh xá Trúc Lâm. Vào ngày này, Tăng đoàn và Phật tử các quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông đều tổ chức đại lễ kỷ niệm với nhiều nghi thức khác nhau, như là: Lễ hội đặt bát cúng dường chư Tăng, lễ thọ giới, thuyết pháp, nhiễu Phật; đặc biệt Lễ thọ đầu-đà, là lễ mà Phật tử đến chùa phát nguyện thọ trì Bát quan trai giới một ngày một đêm, tham thiền, nghe pháp, đàm đạo…

Tại Thái Lan, ngày lễ Đại hội chư Thánh Tăng là ngày lễ của quốc gia, toàn dân được nghỉ lễ. Do vậy, Phật tử có điều kiện về chùa tham dự những chương trình tu học và những lễ hội. Ngoài những nghi thức nêu trên, Phật giáo Thái Lan còn tổ chức hội thắp nến cầu nguyện vào đêm trăng tròn tháng Magha khắp vương quốc Thái Lan.

Vì rằm tháng Giêng có những ý nghĩa thiêng liêng như thế, cho nên để cho ngày lễ được thêm phần ý nghĩa, để cho một năm mới được nhiều may mắn, bình an và hạnh phúc, vào ngày rằm tháng Giêng, mọi người nên làm các việc phước thiện sau đây:

– Đi lễ chùa: Đến chùa lễ Phật, cầu nguyện và tu tập, cúng dường vào ngày rằm tháng Giêng để cầu mong một năm mới được bình an, may mắn và khỏe mạnh, công việc cả năm hanh thông. Khi đi lễ chùa, mọi người chỉ nên dâng hương hoa, quả phẩm và các thức ăn chay lên Tam bảo. Khi đi chùa thì cần phải ăn mặc nghiêm trang, kín đáo. 

– Ăn chay, phóng sanh, làm phước: Ăn chay, phóng sanh để thực hành hạnh từ bi, góp phần bảo vệ môi trường. Làm việc phước thiện không chỉ giúp đỡ những người kém may mắn hơn, mà còn đem lại sự bình an trong tâm hồn của chính người trao đi. Từ đó, cuộc sống lan tỏa những giá trị tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

– Cúng Phật và cúng gia tiên tại nhà: Ngày rằm tháng Giêng, các gia đình nên sắm hai lễ: Lễ cúng Phật và lễ cúng gia tiên. Lễ cúng Phật là mâm lễ chay tinh khiết gồm hương, hoa, đèn, nến, hoa quả tươi, nếu cần có thể có xôi, chè chay… Còn lễ cúng gia tiên thì nên làm mâm cơm chay để cúng, hạn chế sát sanh, hại vật để cúng gia tiên. 

Ngoài ra, nếu được thì gia chủ cũng nên làm thêm một mâm cơm cúng thổ thần và các vị âm linh, cô hồn không nơi nương tựa. Lễ cúng này thì đặt cúng ở giữa sân nhà (hoặc trước cửa nhà), cúng vào buổi chiều hoặc buổi tối. Khi đặt cúng thì nên đặt làm 2 bàn cao thấp khác nhau. Bàn cao là để cúng các vị thổ thần, còn bàn thấp là để cúng các vị âm linh, cô hồn. Lễ phẩm dâng cúng thì khuyến khích mọi người nên cúng đồ chay, cùng với hương hoa, đèn, nến, xôi chè… 

Minh Nguyên