Ý nghĩa ngày Lễ Vu Lan – Rằm tháng bảy

Lễ Vu Lan, hay còn gọi là Đại lễ Vu lan – Báo hiếu, là ngày lễ để con cái báo đáp công ơn sinh thành của cha mẹ, tìm về cội nguồn yêu thương, thường được tổ chức vào ngày Rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm. Đây là ngày lễ có truyền thống lâu đời của người Việt Nam.

Vu lan

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ của mình thoát khỏi kiếp ngạ quỷ nơi địa ngục. Mẹ của Mục Kiền Liên tên là Thanh Đề, là một người sống rất xa hoa, tham lam, độc ác và không tin vào Tam Bảo, không biết bố thí, cúng dường. Vì những ác nghiệp của mình đã gây tạo mà sau khi chết, mẹ của ngài Mục Kiền Liên đã bị đọa làm ngạ quỷ, đói khát, khổ sở khôn cùng. Ngài Mục Kiền Liên sau khi xuất gia theo Phật, ngài đã tu tập và chứng được lục thông. Tưởng nhớ đến mẹ của mình, Ngài đã dùng tuệ nhãn để tìm mẹ khắp nơi trong trời đất, cuối cùng Ngài đã thấy mẹ nơi bị xiềng xích, đói khát nơi địa ngục. Trông thấy mẹ tiều tụy và khổ sở như thế nên ngài Mục Kiền Lên đau xót vô cùng, ôm mẹ khóc than, rồi dâng cho mẹ một bát cơm ăn cho đỡ đói. Thế nhưng, do lòng mẹ ngài còn đầy tham sân, nên khi vừa đưa cơm đến miệng thì cơm đã hóa thành lửa đỏ, không thể ăn được. Mục Kiền Liên bất lực khi nhìn mẹ bị đói khát hành hạ. Thương mẹ, Ngài quay về cầu cứu Đức Phật, nhờ Phật cứu độ cho mẹ của mình. Nhân đó, Đức Phật dạy ngài Mục Kiền Liên rằng: “Nếu ông muốn cứu mẹ thoát khỏi kiếp đọa đày, được sanh về cõi lành thì phải nhân ngày rằm tháng 7 âm lịch, là ngày Tự Tứ của chư Tăng, ông hãy sắm sửa lễ phẩm để cúng dường chư Phật, chư Tăng, nương phước lực cúng dường ấy và nương thần lực chú nguyện của chư Tăng trong ngày Tự Tứ hồi hướng cho mẹ của mình thì mới mong cứu vớt được mẹ ông”. Vâng theo lời Phật dạy, Mục Kiền Liên đã sắm sửa lễ vật dâng cúng chư Phật, chư Tăng và hồi hướng cho mẹ của mình, nhờ vậy mà mẹ của ngài đã thoát khỏi cảnh khổ ngạ quỷ, được sanh về cõi lành. Từ đó, ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hằng năm trở thành ngày tri ân, báo hiếu trong Phật giáo. Và ngày Rằm tháng Bảy âm lịch còn được gọi là ngày Xá tội vong nhân (cứu tội khổ cho người đã mất). Cũng từ đó mà người đời đã ca tụng Ngài Mục Kiền Liên rằng:

“Vu Lan lễ hội hằng năm

Thầy Mục Liên được người dân tôn sùng

Ngoài tài Đệ nhất thần thông

Còn là Đại hiếu vô cùng nổi danh”.

Ngày Vu Lan cũng chính là ngày Tự tứ của chư Tăng, tức là ngày mà sau ba tháng an cư kiết hạ, tịnh tu tam nghiệp, công viên quả mãn, chư Tăng xả hạ và làm lễ Tự tứ. Chữ “Tự tứ” có nghĩa là sự thỉnh cầu, sự yêu cầu, hay nói cách khác là sự thỉnh tội, tức trong ngày ấy, các vị Tỳ kheo thỉnh cầu chư Tăng chỉ lỗi, nhắc nhở, khuyên bảo bằng tâm từ để vị bản thân thấy lỗi của mình mà sửa sai và hoàn thiện bản thân. Tự tú cũng có nghĩa là sự soi sáng, thức tỉnh cho nhau, cho khỏi phạm tội để làm gương cho nhau và cho kẻ hậu lai noi theo. Vì ngày Tự tứ là ngày mãn hạ an cư, là ngày chư Tăng chỉ lỗi cho nhau và sách tấn nhau trên đường tu, nên ngày này đức Phật rất vui mừng, cho nên còn gọi là “Ngày Phật hoan hỷ”.

Tinh thần hiếu đạo là một trong những giá trị nhân bản của Phật giáo, và điều này hoàn toàn phù hợp với văn hóa, lễ giáo của người Việt Nam chúng ta, cho nên ngay từ đầu, Lễ Vu lan – Báo hiếu đã được người Việt rất ủng hộ. Đến nay, dù xã hội đã hiện đại hơn xưa, nhưng đạo hiếu vẫn là gốc rễ của đạo đức làm người, cho nên mỗi năm, đến ngày Vu lan – Báo hiếu, người người nô nức đến chùa lễ Phật, tụng niệm, cúng dường Tam bảo, làm các việc phước thiện để báo hiếu ân đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Điều này đã được thể hiện rõ qua những lời đầu trong bài Sám Nguyện Vu Lan:

“Đệ tử chúng con,

Vâng lời Phật dạy,

Ngày Rằm tháng Bảy,

Gặp hội Vu Lan,

Phạm vũ huy hoàng,

Đốt hương đảnh lễ,

Mười phương tam thế,

Phật, Pháp, Thánh hiền

Noi gương đức Mục Kiền Liên

Nguyện làm con thảo”.

Tri Thức Hay