Xã hội học: Một ngành học không bao giờ lỗi thời

Xã hội học (Sociology) là một ngành khoa học xã hội, tập trung nghiên cứu về các quy luật vận hành, biến đổi và phát triển của đời sống xã hội. Chonnganhnghe.com sẽ giúp bạn hiểu hơn về ngành này qua những nội dung dưới đây.

1. Giới thiệu về ngành Xã hội học

Xã hội học (XHH) nghiên cứu về con người với tư cách là một thành viên của xã hội, xem xét con người trong mối tương quan giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với các mối quan hệ xã hội trong cộng đồng, nghiên cứu các yếu tố vi mô và vĩ mô ảnh hưởng đến đời sống của các thành viên trong xã hội. Trên cơ sở đấy, XHH xây dựng các cơ sở khoa học nhằm giải thích các hành vi và cơ chế hoạt động của con người trong đời sống hiện thực của xã hội.

xa hoi hoc

Học ngành Xã hội học thì người học sẽ có được kiến thức về nhiều vấn đề trong xã hội, giúp người học có thể phân tích, nghiên cứu và hiểu rõ các vấn đề xã hội và từ đó có thể tìm ra những hướng giải quyết, đề xuất các chính sách, các giải pháp hiệu quả cho các vấn đề đó, chẳng hạn như các vấn đề về bạo lực trẻ em, tệ nạn xã hội, bạo hành gia đình, xu hướng, lối sống của giới trẻ…

Chính vì hướng nghiên cứu như thế nên ngành Xã hội học có vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của xã hội. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, XHH giúp cho việc đánh giá các chính sách khi đưa ra có khả năng thực thi hay không, và đưa ra được những chính sách, những chủ trương, kế hoạch phù hợp và hiệu quả cho sự phát triển xã hội; Đối với các công ty, doanh nghiệp, XHH giúp các công ty, doanh nghiệp nắm rõ xu hướng phát triển của xã hội, nhu cầu của cộng đồng và biết rõ thị hiếu của khách hàng, xã định chính xác khách hàng mục tiêu của mình để có những hướng kinh doanh, sản xuất và phát triển hiệu quả hơn. Với bản thân mỗi người, kiến thức XHH giúp tự khai sáng bản thân, lý giải được các vấn đề trong đời sống xã hội và đưa ra những quyết định, những hướng đi thích hợp, hiệu quả cho mình, và người học XHH có thể trở thành các nhà tư vấn chính sách và hỗ trợ quy hoạch đô thị, họ có thể nhìn nhận được sự thay đổi của xã hội và đề xuất những giải pháp phù hợp để cải thiện xã hội tốt hơn.

2. Học Xã hội học thì có thể làm gì?

Cũng chính vì vậy, cơ hội việc làm đối với người học XHH khá rộng mở, có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau:

– Làm cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu trong các trường Đại học, Cao đẳng và các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu về các vấn đề xã hội.

– Làm cán bộ, nhân viên ở các cơ quan hành chính nhà nước thuộc các cấp chính quyền, các phòng, các bộ phận chức năng liên quan đến vấn đề chính sách xã hội, các cơ quan hành chính sự nghiệp (văn hóa, lao động, dân số, giáo dục, y tế, thống kê, dân tộc, dân vận, tuyên giáo), cơ quan đảng và đoàn thể, cơ quan an ninh và phòng chống tệ nạn xã hội và các trung tâm giáo dục – lao động xã hội, trung tâm bảo trợ xã hội…

– Làm điều phối viên, chuyên viên cho các quỹ phát triển, hoạt động tài trợ của nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức từ thiện; làm nhân viên công tác xã hội, phát triển cộng đồng.

– Làm chuyên gia nghiên cứu, tư vấn chính sách phát triển bền vững, nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và tư vấn truyền thông, quảng cáo, điều tra dư luận xã hội, thị hiếu khách hàng trong các công ty, doanh nghiệp.

– Ngoài ra, học XHH cũng có thể làm Biên tập viên, Phóng viên; nhân viên Tổ chức sự kiện…

3. Để học ngành Xã hội học thì người học cần những điều kiện gì?

Xã hội học là ngành khoa học xã hội đòi hỏi người học có sự nhạy cảm với các sự kiện, vấn đề xã hội. Có niềm đam mê nghiên cứu, vận dụng được các cơ sở khoa học, các kỹ năng, phương pháp nghiên cứu khoa học để phân tích, đánh giá các sự kiện xã hội. Ngành XHH rất phù hợp với những người muốn góp sức mình nhằm cải tạo xã hội, nâng cao chất lượng sống của con người.

Sau đây là một số tố chất cần thiết để học ngành Xã hội học đạt được kết quả như mong muốn:

– Thích tìm hiểu các quy luật trong đời sống xã hội;

– Suy nghĩ sâu sắc, độc lập, sáng tạo;

– Có khả năng tự tổ chức công việc, khả năng tự học, tự nghiên cứu;

– Có ý thức phấn đấu và phát triển, hoàn thiện không ngừng;

– Thích học các môn xã hội và khám phá, nghiên cứu các vấn đề xã hội.

4. Có thể học Ngành xã hội học ở đâu?

Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học tại các trường sau:

– Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

– Học viện Báo chí và Tuyên truyền

– Trường Đại học Công đoàn

– Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học tại các trường sau:

– Trường Đại học Hồng Đức

– Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế

– Trường Đại học Đà Lạt

Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học tại các trường sau:

Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TP.HCM

– Trường Đại học Mở TP.HCM

– Trường Đại học Văn Hiến

– Trường Đại học Tôn Đức Thắng

– Trường Đại học Cần Thơ

– Trường Đại học Bình Dương

Tổ hợp các môn thi hoặc xét tuyển vào ngành Xã hội học thường là tổ hợp các môn thuộc khối A, khối C, hoặc khối D.

Chúc các bạn chọn đúng ngành để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống!

BBT Chọn Ngành Nghề