Ngành Toán ứng dụng là ngành học có tiềm năng phát triển lớn trong tương lai, chuyên nghiên cứu và ứng dụng toán học vào nhiều lĩnh vực khoa học và thực tiễn khác nhau. Hãy cùng Chonnganhnghe tìm hiểu về ngành này nhé.
1. Giới thiệu về ngành Toán ứng dụng
Toán ứng dụng (Applied Mathematics) là một ngành toán học tập trung nghiên cứu các kiến thức, cơ sở lý thuyết của toán học để ứng dụng vào giải quyết nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn của các lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội.
Nói cụ thể hơn, đây là ngành học ứng dụng các phương pháp, mô hình toán học vào giải quyết các vấn đề trong khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, bảo hiểm, khoa học máy tính và công nghiệp…
Trong thời công nghệ kỹ thuật hiện đại như hiện nay, máy vi tính đã và đang thay thế con người xử lý nhiều vấn đề phức tạp trong hầu hết mọi lĩnh vực ngành nghề, thì Toán học càng quan trọng hơn, nó đóng góp những công cụ không thể thay thế để phân tích, tổng hợp, tìm giải pháp quản lý trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và công nghệ. Có thể nói, toán ứng dụng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong mọi lĩnh vực xã hội.
Học ngành này, người học sẽ hiểu rõ hơn về tính ứng dụng và tính thực tiễn vô cùng to lớn của các kiến thức toán học mà người học đã được học trong suốt các năm học trong nhà trường phổ thông và cả trong các giảng đường đại học, chúng không con là những công thức khô khan, những lý thuyết xa rời thực tế, hay là những con số vô nghĩa nữa.
Theo học ngành này, người học sẽ được đào tạo chuyên sâu về nhiều mảng của Toán như: Toán rời rạc (Logic toán – kỹ năng tư duy toán học); Đại số tuyến tính (Ma trận, định thức, không gian Euclide, ánh xạ tuyến tính); Giải tích; Thống kê; Mô hình toán học và Lý thuyết tối ưu. Ngoài ra, tùy theo định hướng cá nhân, người học có thể chọn học những chuyên ngành hẹp của Toán ứng dụng vào những năm cuối của chương trình học, như là Toán ứng dụng trong tin học, Toán ứng dụng trong khoa học tính toán và Toán ứng dụng trong kinh tế kỹ thuật. Với khối kiến thức được trang bị trong chương trình học, người học có thể ứng dụng vào các lĩnh vực như các khoa học tính toán, xử lý tín hiệu và hình ảnh, công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính và ngân hàng, bảo hiểm, quản trị rủi ro,…
Trên thế giới, ngành Toán ứng dụng hiện đang được các trường đại học danh tiếng trên thế giới tập trung đào tạo và phát triển thành ngành học mũi nhọn của nhà trường. Ở Việt Nam thì ngành này còn khá mới mẽ và nguồn nhận lực về ngành này còn khá khan hiếm, được các công ty, doanh nghiệp, các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn săn đón rất cao.
2. Cơ hội việc làm đối với ngành Toán ứng dụng
Như đã trình bày ở trên, ở Việt Nam chúng ta hiện nay, ngành này còn khá mới mẽ nên cơ hội việc làm cho người học ngành này là rất cao và có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau, cụ thể như sau:
– Làm việc trong lĩnh vực kinh tế:
Người học có thể phụ trách các vị trí Chuyên viên phân tích đầu tư, Chuyên viên kế hoạch tài chính, Chuyên viên phân tích hoạt động hoặc Chuyên viên thống kê tại các công ty chứng khoán, công ty, trung tâm tư vấn đầu tư tài chính – ngân hàng (dự báo những rủi ro, khủng hoảng về tài chính, kinh tế vĩ mô, phân tích xu hướng đầu tư, rủi ro tài chính ngân hàng); hoặc làm trong các công ty bảo hiểm, công ty xử lý số liệu, công ty nghiên cứu thị trường, vận tải biển, hàng không…; và làm việc trong các cơ quan chính phủ, phi chính phủ, tổ chức nghiên cứu, tổ chức học thuật (Chuyên viên phân tích ngân sách, chuyên viên nghiên cứu, thống kê tại các cục thống kê, đơn vị nghiên cứu về các chính sách, chương trình xã hội…).
– Làm việc trong lĩnh vực giáo dục:
Với những kiến thức về Toán học, người học sau khi tốt nghiệp có thể trở thành giảng viên/giáo viên Toán học ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp, và cả các trường Phổ thông..
Ngoài ra, học ngành này cũng có thể trở thành nhà toán học trong các viện nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng toán học.
– Làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật:
Người học ngành này, với tư duy toán học, toán logic, toán rời rạc thì có thể làm việc trong vai trò kỹ sư phần mềm, điện tử… Đặc biệt trong thời đại bùng nổ về mạng xã hội, công nghệ số, những công ty về công nghệ rất coi trọng khoa học dữ liệu, vì vậy nhu cầu nhân sự về Toán ứng dụng trong các công ty, doanh nghiệp này là rất cao.
3. Người học ngành Toán ứng dụng cần có những tố chất gì?
Để có thể theo học và học tốt ngành này, người học cần có một số tố chất, kỹ năng dưới đây:
– Có khả năng tư duy toán học trong các lĩnh vực đại số.
– Có đầu óc tư duy lô gic và thực tế.
– Có kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày vấn đề, kỹ năng quản lý thuộc phạm vi chuyên môn;
– Đam mê toán học và ưu thích làm việc với các con số.
– Có khả năng sáng tạo và có tính kiên trì cao.
– Học tốt môn toán, đặc biệt là môn đại số.
– Có vốn Tiếng Anh tốt là một lợi thế lớn.
4. Học ngành Toán ứng dụng ở đâu:
Vì nhu cầu về nguồn lực lao động của ngành này hiện đang khá cao, nên có nhiều trường đào tạo. Người học có thể học ngành này ở các trường sau:
– Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội
Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên
Đại học Thủ đô Hà Nội
Đại học Thăng Long
Đại học Giao thông Vận tải
– Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
Đại học Khoa học – Đại học Huế
Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng
Đại học Quy Nhơn
– Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
Đại học Tôn Đức Thắng
Đại học Sài Gòn
Đại học Cần Thơ
Đại học An Giang
Đại học Trà Vinh
Tổ hợp các môn thi hoặc xét tuyển vào ngành Toán ứng dụng thường như sau:
– A00: Toán – Lý – Hóa học
– A01:Toán – Vật lý – Tiếng Anh
– C01: Ngữ văn – Toán – Vật lý
– D01: Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh
– B00: Toán – Hóa học – Sinh học
Chúc các bạn chọn đúng ngành để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.