Trong thực tiễn cuộc sống, Thống kê có vai trò rất quan trọng, cung cấp thông tin thống kê chính xác, đầy đủ, kịp thời để phục vụ cho công tác quản lý vĩ mô và vi mô trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Để giúp bạn có thêm thông tin về ngành học này, Chọn Ngành Nghề xin giới thiệu đến bạn đọc các nội dung sau đây.
1. Giới thiệu về ngành Thống kê
Ngành Thống kê là một ngành học chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan đến thu thập và xử lý, phân tích, giải thích, biểu diễn, và tổ chức dữ liệu. Thống kê được ứng dụng vào hầu hết các lĩnh vực khoa học cũng như trong công việc thực tiễn của đời sống xã hội, như là áp dụng trong nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội-nhân văn, sinh học, y học, kinh tế, hóa học, vật lý…, và cả trong kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, thậm chí trong nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý thị trường, quản lý xã hội, quản lý cơ sở hạ tầng… Ngày nay, việc ứng dụng các phần mềm tin học vào trong thống kê, giúp cho công tác thống kê trở nên rất thuận tiện và độ chính xác cao, tiết kiệm được thời gian, công sức mà lại hiệu quả cao, giải quyết được nhiều vấn đề lớn trong khoa học và trong thực tiễn của đời sống lao động, sản xuất.
Trong chương trình học, người học sẽ được trang bị một cách hệ thống những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, kinh tế – xã hội, kinh doanh và quản lý, tài chính, toán ứng dụng, công nghệ thông tin, đặc biệt là khối kiến thức nền tảng và chuyên sâu về thống kê ứng dụng nhằm thực hiện đầy đủ qui trình nghiên cứu thống kê trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin; sẽ được học cách sử dụng và phân tích, giải thích dữ liệu với các phần mềm thống kê chuyên dụng phổ biến như là phần mềm SPSS, phần mềm Minitab,…
Bên cạnh đó, khi học ngành này, đến năm thứ 3, thứ tư thì người học có thể chọn học các chuyên ngành sâu của nó, như là chuyên ngành Thống kê Kinh tế – Xã hội, chuyên ngành Thống kê kinh tế, chuyên ngành Thống kê Kinh doanh…

2. Học ngành này thì cơ hội việc làm thế nào?
Như trên đã nói, đây là một ngành học rất cần thiết trong đời sống xã hội nên cơ hội nghề nghiệp cho những người học ngành này cũng khá cao. Cụ thể là có thể làm các lĩnh vực công việc sau:
– Làm giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, các học viện
Người học ngành này, sau khi tốt nghiệp có thể tham gia vào công tác giảng dạy các môn thuộc chuyên ngành thống kê tại các trường đại học, cao đẳng, các học viện trên cả nước. Hầu hết các trường đều có học các môn liên quan đến ngành Thống kê. Đơn cử như môn Toán xác suất thống kê, đây là một môn học mà hầu hết sinh việc học các ngành tư nhiên hay xã hội đều phải học, vì đây là một môn học hỗ trợ đắc lực cho công tác nghiên cứu khoa học của hầu hết các lĩnh vực khoa học. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn mà Bộ Giáo dục – Đào tạo đã đưa ra, thì muốn trở thành giảng viên, người học phải nâng cao trình độ của mình lên, tối thiểu phải có trình độ thạc sĩ.
– Làm chuyên viên nghiên cứu tại các viện nghiên cứu
Người học ngành này có thể xin vào làm việc tại các viện nghiên cứu ở nhiều địa phương khác nhau, họ sẽ phụ trách công việc của một chuyên viên phân tích dữ liệu hoặc có thể trực tiếp tham gia vào các công trình nghiên cứu của đơn vị.
– Làm chuyên viên thống kê trong các phòng – cục thống kê
Ở nước ta hiện có hơn 700 cơ quan nhà nước làm việc trong lĩnh vực thống kê từ cấp trung ước đến cấp địa phương, trải dài khắp mọi vùng miền. Do vậy, tùy theo nơi sinh sống mà người học có thể ứng tuyển vào vị trí chuyên viên thống kê trong các cơ quan, đơn vị này để làm việc.
– Làm nhân viên thống kê trong các công ty, doanh nghiệp
Người học ngành thống kê có thể vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp làm trong lĩnh vực thống kê và các doanh nghiệp nói chung. Ở các công ty làm về thống kê thì họ sẽ làm những công việc chuyên sâu thuộc chuyên ngành thống kê. Còn đối với các doanh nghiệp khác thì họ sẽ phụ trách các công việc thống kê nội bộ và cả công việc nghiên cứu thị trường, thị hiếu khách hàng,… để từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra những chiến lược, đường hướng sản xuất, kinh doanh, cung cấp các loại hình dịch vụ hiệu quả. Và ngày nay, các công ty tài chính, chứng khoán cũng rất cần các chuyên viên thống kê làm việc cho họ.
3. Để học ngành này thì cần có những tố chất gì?
Đây là một ngành học liên quan trực tiếp đến toán học, tin học và làm việc trực tiếp với những con số, dữ liệu phức tạp. Cho nên, để học tốt ngành này thì người học cần có các tố chất sau:
– Yêu thích toán học và thích làm việc với máy tính
– Có tính tỉ mỉ, cẩn thận trong mọi công việc
– Có khả năng chịu áp lực công việc cao (cả về thời gian và cường độ công việc)
– Nhanh nhạy trong việc tiếp cận, sử dụng các phần mềm thống kê
– Có khả năng làm việc nhóm
– Khá về tin học và tiếng Anh là một lợi thế lớn.
4. Học ngành này ở đâu?
Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
– Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
– Trường Đại học Kinh tế – Đại học Đà Nẵng
Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
– Trường Đại học Kinh tế TP.HCM
Tổ hợp các môn thi hoặc xét tuyển vào ngành này thường là tổ hợp các môn thuộc khối A và khối D, cụ thể là:
A00: Toán – Vật lý – Hóa học
A01: Toán – Vật lý – Tiếng Anh
D01: Ngữ văn – Toán – Tiếng Anh
D07: Toán – Hóa học – Tiếng Anh
Chúc các bạn chọn đúng ngành để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.