Sức mạnh của tư tưởng con người

Có lẽ chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng, những kết quả mà chúng ta nhận được là phát xuất từ trong tư tưởng của chúng ta. Nếu đọc kinh điển của đạo Phật, chúng ta sẽ bắt gặp những từ sau: “Tất cả những gì chúng ta nhận lãnh hôm nay là kết quả của những điều chúng ta đã nghĩ về”. Điều này có nghĩa là không có lời nào được nói ra, không có hành động nào được làm mà không xuất phát từ trong tư tưởng của tâm thức chúng ta. Chúng ta nói những lời thô ác, chúng ta đoạt lấy những thứ của người khác, sở dĩ như thế là bởi những tư tưởng bất lương đã tồn tại trong tâm thức chúng ta. Từ đó cho chúng ta thấy rằng, điều cần thiết đối với chúng ta là phải hết sức cẩn thận đối với những dòng tư tưởng hiện khởi trong tâm chúng ta.

Tư tưởng là thứ rất vi tế của con người, có sức mạnh vô cùng

Tư tưởng là thứ rất vi tế. Nhưng chúng lại có thể trở thành nguyên nhân chính dẫn đến tai họa và khổ đau. Người ta có thể dễ dàng phân biệt được những loại tư tưởng, ngôn ngữ nào là tế nhị, hòa ái; những tư tưởng và ngôn ngữ nào là thanh tịnh, trong sáng. Nếu chúng ta luôn luôn nói những lời xấu xa, luôn nói dối trá, nói thô ác thì mọi người sẽ biết chắc rằng trong tâm thức chúng ta đang chứa đầy những loại tư tưởng bất thiện.

Có một vị giám đốc ngân hàng sống tại một thị trấn nhỏ ở miền Tây, ông ấy là một con người luôn được mọi người rất mực kính trọng và cảm mến. Nhiều người nông dân từ nhiều vùng khác nhau đã đến tâm sự với ông ta về những khó khăn của họ, bởi vì họ biết rằng, ông ta sẽ luôn luôn cho họ những lời khuyên giá trị và luôn sẵn lòng giúp đỡ họ.

Một hôm, có một người khách lạ đến thị trấn ấy, vị này tìm đường để đến văn phòng làm việc của ông giám đốc. Người khách lạ đi vào phòng khách và được nhân viên cho biết là ông giám đốc đang bận, mời ông ngồi đợi ông ấy trong giây lát.

Trong lúc ngồi đợi, vị khách đưa mắt nhìn quanh phòng và ông ta nhìn thấy một bức ảnh của một người phụ nữ rất đẹp treo trên bức tường gần chỗ ông ta ngồi. Nét mặt của người phụ nữ đẹp đẽ và thanh thoát đến nổi ông ta nhìn mãi, nhìn mãi. Bức ảnh gợi cho ông ta nhớ đến mẹ và những ngày thơ ấu cũng sống dậy trong tâm trí ông. Hai dòng nước mắt chảy dài trên đôi gò má gầy còm của ông khi ông ta nghĩ về những tháng ngày hạnh phúc, lúc ông ta còn là một con người hiền lương và trong sáng. Mãi trôi theo dòng hồi tưởng nên ông ta không biết là cánh cửa phòng của ông giám đốc đã mở, và khi nhìn lên thì thấy ông giám đốc đang nhìn ông ta.

Ông giám đốc hỏi:

– Tôi có thể giúp gì cho bạn?

– Người phụ nữ trong bức ảnh kia là ai vậy? Người khách lạ hỏi.

Vị giám đốc trả lời:

– Đấy là mẹ tôi. Mẹ tôi là lý tưởng và hoài bão của cả cuộc đời tôi. Tôi không bao giờ làm những điều tàn nhẫn hoặc có những hành động hèn hạ trong khi đôi mắt của mẹ tôi nhìn vào tôi.

– Tôi đã phạm nhiều lầm lỗi, người khách khẽ nói, nhưng tôi sẽ cố gắng nhớ về mẹ tôi, những suy niệm về mẹ sẽ giúp tôi trở nên tốt hơn.

Tâm thức của chúng ta cũng tương tự như một phòng khách. Nếu chúng ta thận trọng treo lên đấy toàn những bức tranh đẹp thì chúng sẽ tạo cảm hứng cho ta làm những việc thánh thiện và dùng những ngôn ngữ hòa ái, nghĩ về những điều tốt đẹp và giúp chúng ta loại bỏ dần những những tư tưởng thấp hèn.

Một tâm thức được chứa đầy những tư tưởng cao đẹp ví như một căn phòng đầy vẻ tươi vui và trong sáng; ngược lại, một tâm thức bị phủ kín bởi những tư tưởng xấu thì giống như một căn phòng đầy tối tăm và ảm đạm.

 Minh Nguyên dịch

(Trích dịch từ sách Ethics – Towards a richer life, của tác giả Cyril Siriroj, xuất bản bởi Assumption University)