Tôi đã từng đọc câu chuyện về chàng Đôn-ki-hô-tê quyết tâm chiến đấu với cối xay gió. Tôi đã đọc câu chuyện của Sisyphus. Anh ta bị những vị thần kết tội vì đã không ngừng lăn một tảng đá lên trên đỉnh núi, nhưng sau đó tảng đá vẫn rơi xuống vì nó quá nặng. Tôi đã đọc mẫu chuyện về những người nông dân nghèo chỉ với cái liềm trong tay mà dám chống lại những binh lính được trang bị vũ khí hiện đại. Và tôi đã phải thốt lên rằng: Thế nào là vô lý, làm sao để hiểu được ý nghĩa của từ này? Thật là vô lý!

Vô lý là gì và nó bắt nguồn từ đâu?
Sự vô lý bắt nguồn từ việc so sánh, nhưng nó không nằm trong những yếu tố được so sánh mà nó được sinh ra bởi sự đối chiếu giữa các yếu tố với nhau. Bản thân Đôn-ki-hô-tê không vô lý, bản thân cái cối xay gió cũng không có gì là vô lý. Vô lý không nằm trong con người, cũng không thuộc về hiện thực khách quan mà nó nằm trong sự hiện hữu đồng thời giữa các sự vật hiện tượng. Giả dụ, một bên là những điều mà con người mong muốn và bên kia là những thứ mà hiện thực khách quan đem lại. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, hai điều ấy hiếm khi xuất hiện cùng một lúc. Giữa hai điều ấy có sự không tương hợp với nhau. Chính sự không tương hợp ấy là vô lý. Càng không tương hợp thì càng vô lý. Khi tính tương hợp tăng lên thì sự vô lý sẽ giảm xuống.
Nhìn sự vô lý theo cách này thì tôi nhận thấy cuộc sống của tôi có quá nhiều sự vô lý. Chẳng hạn như có nhiều lần tôi làm việc mà không hề suy nghĩ về việc mình đang làm, sau đó tôi tự hỏi: Tại sao tôi làm những công việc đó? Tôi không đưa ra được lời giải thích nào thỏa đáng. Tôi biết là tôi nên có những lời giải thích xác đáng, nhưng quả thật là tôi không thể. Và đấy chính là sự vô lý!
Có những lúc tôi nhận thấy giữa lời nói và hành động của tôi không trùng khớp với nhau. Tôi nói một đường mà làm một nẻo. Tôi biết là tôi phải là khi bàn là nóng, tôi phải phơi cỏ khi có ánh nắng. Nhưng hiếm khi tôi làm như thế. Tôi thường trì hoãn những việc ấy. Tôi đã không chuẩn bị cho kỳ thi của mình ngay từ đầu khóa học.
Đôi khi tôi làm việc rất chăm chỉ nhưng kết quả đạt được thì quá ít ỏi. Tôi nhắm đến điểm A nhưng kết quả lại là điểm F. Tôi giúp đỡ người ta nhưng người ta không hiểu tôi, trở lại chê trách tôi. Thật là buồn! Để hiểu được mọi lẽ quả là không đơn giản. Tôi không thể đạt được những gì tôi muốn.
Tôi soi gương và một người lạ mặt nhìn lại tôi. Tôi không nhận ra khuôn mặt mà tôi nhìn thấy ở trong gương.
Tôi muốn được hạnh phúc, mà sao vẫn khổ đau. Tôi đi tìm hạnh phúc thì lại gặp phải những bất hạnh.
Tôi sợ chết, nhưng không thể nào thoát khỏi sự chết. Khi tôi chết thì mọi tiềm lực trong tôi cũng tan theo mây khói. Cái chết đến một cách bất ngờ, không được chào đón mà cũng không ai muốn. Tôi thấy mọi lúc, mọi nơi đều có thể bị chết. Nếu có ai hỏi: Bạn bao nhiêu tuổi? Tôi trả lời: Tôi đủ lớn để chết, không biết tôi có đủ lớn để sống hay không nữa? Tôi không chắc lắm! Tôi lại phát hiện thêm một vấn đề nữa của con người: Trong khi anh ta luôn luôn đủ lớn để chết thì lại không hề chắc chắn rằng hoặc là anh ta đủ lớn để sống vào bất kỳ lúc nào, hoặc là anh ta có đủ sự trưởng thành mà anh ta cần phải có để có thể sống.
Không chỉ có bệnh tật và tuổi già mới đưa đến cái chết. Sự đam mê và niềm hăng hái cũng dẫn đến cái chết. Tìm kiếm sự sống, tôi lại thấy sự chết.
Làm sao để xóa bỏ sự vô lý?
Tôi có thể làm gì để xóa bỏ sự vô lý này? Có thể đấy. Tôi có thể cố gắng để giảm bớt khoảng cách giữa chúng. Tôi có thể nỗ lực để đạt được mục đích của mình. Tôi có thể bắt đầu đánh giá đúng giá trị của con người và các sự vật, hiện tượng. Tôi có thể phấn đấu để làm mọi thứ với tất cả tấm lòng. Tôi có thể cảm nhận được ý nghĩa đích thực của sự sống trong từng phút giây, sự sống rất mầu nhiệm! Tôi có thể đẩy lùi sự chết bằng cách yêu quí sự sống, sống một cách trọn vẹn trong từng phút giây của cuộc đời. Tôi phải từ bỏ thói quen chạy theo danh lợi. Được như thế thì cuộc đời của tôi sẽ tươi đẹp vô cùng.
Minh Nguyên dịch
( Trích dịch từ sách Ethics – Towards a richer life, của tác giả Cyril Siriroj, xuất bản bởi Assumption University)