Toàn bộ hoạt động tinh thần của chúng ta đều có khuynh hướng tìm cầu niềm vui và né tránh sự đau khổ, bởi vì chúng tự động điều chỉnh theo bản năng khoái lạc.
Nhưng khát vọng hạnh phúc trong tôi lại đối lập với toàn xã hội. Thực tế ấy đã khiến tôi thấy rằng, cần phải từ bỏ những dục vọng của riêng mình. Thực tế đã làm tiêu tan những khát vọng trong tôi. Bản năng khoái lạc đối lập với những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Chính mâu thuẩn này là nguyên nhân của sự kiềm chế.
‘Bản chất của sự kiềm chế chỉ đơn giản là khả năng từ bỏ hay tránh xa một vài thứ gì đó, không để cho chúng xâm chiếm ý thức mình’.

Nói một cách khái quát, bản chất của sự kiềm chế là sự khước từ đối với việc nhìn nhận những hiện thực về bản năng con người.
Dưới những trấn áp của sự kiềm chế, bản năng của tôi phải nằm yên trong tiềm thức của tôi, nhưng những dục vọng đã bị kiềm chế ấy vẫn tồn tại trong tôi. Và chúng đã hiện ra trong những giấc mơ của tôi. Khi tôi mơ, tiềm thức đã xâm nhập vào ý thức của tôi.
Những giấc mơ và những triệu chứng rối loạn thần kinh cho tôi thấy rằng, đấy là sự không thỏa mãn của những khát vọng trong tôi. Sự kiềm chế những khát vọng vẫn không làm tiêu tan những khát vọng ấy trong tôi. Chúng bám theo hoài, thật khó diễn tả!
Cái Tôi của tôi nó không cho phép những khát vọng trong tôi xâm nhập vào ý thức mình, đấy là mấu chốt của quá trình kiềm chế. Cái Tôi của tôi là bộ mặt bên ngoài. Nó điều hòa giữa bản năng bên trong của tôi với hiện thực của cuộc sống. Nó tiếp nhận những thông tin từ thế giới bên ngoài. Nó có được khả năng biểu đạt bằng ngôn ngữ. Nó là cơ quan điều chỉnh để bản thân thích ứng với môi trường và văn hóa. Nó chịu sự chi phối của các chuẩn mực đạo đức trong xã hội.
Giấc mơ của tôi được sản sinh từ những mâu thuẩn giữa bản năng khoái lạc với các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Những giấc mơ của tôi nói lên sự trốn tránh những sự thực đã làm tôi khó chịu. Nhưng giấc mơ cũng là sự trở về với bản năng khoái lạc, chúng thay thế cho những khoái lạc không được hiện thực cuộc sống chấp nhận.
Động vật hoang giả không biết kiềm chế. Nhưng tôi biết kiềm chế. Tôi là loài vật biết kiềm chế. Con người tạo ra xã hội và văn hóa. Ngược lại, xã hội và văn hóa áp đặt sự kiềm chế lên con người. Sự kiếm chế là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn thần kinh cho con người trên khắp thế giới. Qua đây cho chúng ta thấy rằng, có sự liên quan chặt chẽ giữa các thể chế xã hội với chứng rối loạn thần kinh chức năng.
Con người là loài vật đã được xã hội hóa và cũng là loài dễ bị kích thích thần kinh. Điều mà chúng ta gọi là văn minh hay văn hóa ấy là kết quả của sự kiềm chế trong chúng ta. Sự kiềm chế đã thăng hoa thành văn minh và văn hóa.
(Trích dịch từ sách Ethics – Towards a richer life, của tác giả Cyril Siriroj, xuất bản bởi Assumption University)