Ngành Quản lý bệnh viện (Hospital Management) là một ngành học mới xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây.
1. Giới thiệu về ngành Quản lý bệnh viện
Quản lý bệnh viện là một ngành học thuộc nhóm ngành Quản trị – Kinh tế. Nhiệm vụ của ngành Quản trị Bệnh viện là đào tạo ra những cử nhân có chuyên môn và kỹ năng quản lý Bệnh viện để phụ trách các công việc liên quan đến quản lý, vận hành hiệu quả một cơ sở khám chữa bệnh (bệnh viện, phòng khám…), điều hành quá trình hoạt động và phát triển của bệnh viện.
Trong các cơ sở khám chữa bệnh nói chung, các y bác sĩ, các điều dưỡng viên, các nhân viên y tế trực tiếp chữa và chăm sóc bệnh nhân đảm trách các công việc chuyên môn liên quan đếm khám, chữa bệnh và chăm sóc bệnh nhân. Còn các công việc hành chính khác, như là quản lý danh sách các bệnh nhân nhập viện, quản lý và sắp xếp giường bệnh cho bệnh nhân, quản lý các trang thiết bị vật tư y tế, điều phối lực lượng nhân sự trong bệnh viên… sẽ do các nhân viên quản lý bệnh viên phụ trách.

Mục tiêu đào tạo của ngành Quản lý bệnh viện là:
– Đào tạo nguồn nhân lực biết cách tổ chức, xây dựng và điều hành các cơ sở y tế.
– Nâng cao trình độ chuyên môn ở chiều sâu về quản lý cơ sở, trang thiết bị, vật tư, bệnh viện trong ngành y tế.
– Có đủ khả năng giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý các cơ sở y tế.
Khi học ngành này, người học sẽ được học các kiến thức liên quan đến quản trị kinh doanh, quản trị nguồn nhân lực và các kiến thức chuyên sâu liên quan đến công tác quản lý các cơ sở khám chữa bệnh, như là kiến thức về ngành y tế, kinh tế y tế, y tế công cộng, dịch tễ học, quản lý chương trình y tế, lưu trữ, quản lý hồ sơ bệnh án, tổ chức điều dưỡng, môi trường, dược, bảo hiểm y tế…
2. Cơ hội việc làm đối với ngành Quản lý bệnh viện
Đây là một ngành học có cơ hội việc làm khá rộng mở ở khắp các tỉnh thành trong cả nước. Sau khi học ngành này, người học có thể làm các công việc sau:
– Làm công tác quản lý (thuộc các cấp quản lý khác nhau, tùy theo trình độ và thâm niên công tác) tại các cơ sở y tế, bệnh viện, quản lý các phòng ban chức năng trong các cơ sở y tế ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ các bệnh viện công lập đến các bệnh viện tư nhân, và cả những phòng khám, phòng mạch…
– Làm việc trong các cơ sở sản xuất, phân phối thiết bị, dược phẩm y tế hoặc các lĩnh vực phi y khoa như: quản lý trang thiết bị, con người, vật tư, các dự án, các chương trình hợp tác của các bệnh viện, các trung tâm y tế, cơ sở y tế.
– Làm công tác quản lý, điều hành và phụ trách các nhiệm vụ kinh tế và quản trị ở các cơ sở kinh doanh, sản xuất, cơ quan nghiên cứu hay giáo dục.
– Làm phụ tá cho Ban giám đốc các bệnh viện trong khâu điều hành, tổ chức bệnh viện.
3. Học ngành Quản lý bệnh viện cần có những tố chất gì?
Để học và làm tốt các công việc trong ngành này, người học cần có những tố chất sau:
– Có tầm nhìn xa và rộng.
– Có khả năng tư duy chiến lược
– Có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo để đưa ra những ý tưởng mới trong quản lý và điều hành cơ sở y tế.
– Có kỹ năng giao tiếp tốt
– Có tính cẩn thận và làm việc theo kế hoạch
4. Học ngành Quản lý bệnh viện ở đâu?
Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
– Đại học Phan Chu Trinh, Quảng Nam
Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học ngành này tại các trường sau:
– Đại học Hùng Vương Thành phố Hồ Chí Minh
Tổ hợp các môn thi hoặc xét tuyển vào ngành này như sau:
– Khối B00: Toán – Hóa – Sinh
– Khối B03: Toán – Sinh – Văn
– Khối C00: Văn – Sử – Địa
– Khối C01: Văn – Toán – Lý
– Khối C02: Văn – Toán – Hóa
– Khối C12: Văn – Sinh – Sử
Chúc các bạn chọn đúng ngành để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.