Nói về năng lực của con người thì có rất nhiều phương diện để đề cập. Ở đây chỉ bàn về năng lực của con người trong tiến trình trau dồi, rèn luyện bản thân trong đời sống xã hội.
Con người là một loài sinh vật tiến bộ nhất, chúng ta có những năng lực đặc biệt mà các loài sinh vật khác không thể có được.

Trước hết, chúng ta có thể làm chủ được vận mệnh của mình, tự xây dựng cuộc đời mình theo những gì mình mong muốn. Làm được điều đó là vì chúng ta có ý thức và chúng ta có nghị lực, có ý chí và có cả lương tâm, trách nhiệm. Chình vì vậy mà chúng ta có thể tu tập, thanh lọc thân tâm mình, chuyển từ phàm tục thành thánh nhân, từ nhỏ nhen, ích kỷ thành người rộng lượng, bao dung, thương yêu, quan tâm chăm sóc mọi người.
Có một khả năng rất đặc biệt của con người, đó là khả năng tự ý thức, tự đánh giá về bản thân. Nhờ khả năng này mà chúng ta biết được con người đích thực của mình như thế nào, biết được những ý nghĩ thâm sâu, vi tế của mình, biết được những điểm yếu của mình để khắc phục, biết những thói hư, tật xấu để chừa bỏ, biết những tâm niệm bất thiện để khắc phục. Đồng thời, nó cũng giúp chúng ta biết được những điểm tốt của mình, biết những ý nghĩ tích cực, những ước vọng, lý tưởng của mình để cố gắng phấn đấu, cố gắng phát huy. Và biết được những khuyết điểm, những điều chưa hoàn thiện của bản thân để cố gắng làm cho được hoàn thiện hơn.

Nhớ biết trau dồi và rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức mà chúng ta có thể tìm được sự an lạc, hạnh phúc trong cuộc sống và có thể làm cho người khác cũng được hạnh phúc, an vui. Nhờ có trau dồi và rèn luyện mà chúng ta biết cảm thông, chia sẻ với mọi người, biết giúp đỡ mọi người và sống vì mọi người.
Khi chúng ta trau dồi và rèn luyện, chúng ta có thể đạt được những năng lực đặc biệt. Những năng lực đặc biệt này sẽ giúp ta có khả năng để xây dựng niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình thêm bền vững, và có thể giúp ích cho nhiều người hơn. Những năng lực đặc biệt ấy chỉ có ý nghĩa tốt đẹp khi nó phục vụ cho việc hoàn thiện bản thân và giúp đỡ mọi người, phục vụ cho ý muốn giúp người, giúp đời. Nếu những năng lực ấy dùng để mua danh, trục lợi thì thật là đáng buồn.
Chúng ta không chỉ có thể hoàn thiện bản thân mình mà còn có thể giúp người khác hoàn thiện bản thân họ. Chúng ta có thể hướng dẫn mọi người tu tập theo những pháp môn đúng đắn, phù hợp với họ, có thể chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong sự tu tập với họ, có thể cùng tu tập với họ, giúp họ có ý chí, nghị lực để vượt qua những cám dỗ, những chông gai trong cuộc sống, giúp họ vơi bớt những phiền muộn.
Bên cạnh đó chúng ta còn có thể cải tạo xã hội, cải tạo hoàn cảnh sống, môi trường sống của mình. Chúng ta có thể phát minh, sáng tạo ra những vật chất, những phương tiện giúp cho cuộc sống của mình được tiện nghi hơn, dễ chịu hơn. Chúng ta có thể bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, nguồn thổ nhưỡng, không để cho chúng cạn kiệt hay bị ô nhiễm. Đây là điều mà chúng ta có thể làm được nếu tất cả mọi người đồng tâm hiệp lực.
Con người có rất nhiều năng lực, có thể làm những điều kỳ diệu, những điều tối thiện. Tuy nhiên, cũng chính con người đã tạo ra những lầm lỗi, đã gây tai họa cho cho xã hội, cho môi trường sống của mình, chuốc lấy khổ đau cho mình và gieo rắc khổ đau cho kẻ khác. Những cuộc chiến tranh xâm lược, những cuộc đẫm máu vì kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo, tín ngưỡng đã xảy ra, gieo rắc tang thương, khổ đau khắp nơi. Rồi sự kỳ thị, ganh ghét, đố kỵ và thù hận cũng đã làm cho con người phải khổ đau rất nhiều… Đấy là những vấn đề mà chúng ta cần phải giải quyết và chúng ta có khả năng để làm những việc đó. Chỉ có điều là tất cả mọi người đã đủ quyết tâm, đã đồng tâm, nhất trí để làm hay chưa mà thôi.
Dựa vào sự rèn luyện của mình, chúng ta có thể tìm được nguồn an vui, hạnh phúc cho mình. Đồng thời chúng ta cũng có thể có sự tác động tích cực nhất định đến những người xung quanh, đến cộng đồng mà chúng ta đang sống, đang lao động, học tập. Sự tác động này mạnh hay yếu là tùy thuộc vào năng lực của chúng ta. Chúng ta có thể chia sẻ kinh nghiệm, thậm chí là có thể giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần để cho những người xung quanh ta cùng đi trên con đường chánh đạo và cùng an hưởng hạnh phúc chân thật, cùng có được sự tự tại, giải thoát trong dòng đời lắm hệ lụy, khổ đau này. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta có thể tạo dựng hạnh phúc cho mình và người không chỉ trong hiện tại mà cả trong đời vị lai.
Bằng sự trau dồi, rèn luyện của mình, chúng ta trở thành một con người mẫu mực, một minh chứng hùng hồn cho sự hiện hữu của đạo đức và chân lý. Chính điều này làm cho nhà nhà được an vui, quê hương được thanh bình, thịnh vượng và mọi người đều có được niềm hạnh phúc đích thực trong cuộc sống.
Hoàng Minh Phú