Nghề pha chế: Nghề mới với nhiều cơ hội nghề nghiệp

Nghề pha chế là một trong những nghề còn khá mới tại Việt Nam. Với sự phát triển mạnh của loại hình kinh doanh dịch vụ ẩm thực, quán bar, cà phê, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, đã mở ra nhiều cơ hội việc làm và cơ hội phát triển sự nghiệp cho những ai học nghề pha chế. Trong bài viết này, Chonnganhnghe.com cung cấp đến bạn đọc những thông tin quan trọng liên quan đến nghề pha chế, để giúp bạn có một cái nhìn chung và khái quát về một nghề khá mới này.

1. Giới thiệu chung về Nghề pha chế

Nghề pha chế thường được gọi theo tiếng Anh là Bartender, là một trong những nghề thuộc nhóm ngành Nhà hàng – Khách sạn. Ở Việt Nam chúng ta, khi nói đến nghề pha chế thì mọi người thường hiểu là nói đến những người làm công việc pha chế các loại đồ uống có cồn hoặc không cồn như cocktail, mocktail, soda và pha chế các loại đồ uống từ liên quan đến cà phê và trà…

pha che
Nhu cầu về nghề pha chế ngày càng tăng càng, người học nghề pha chế không sợ thất nghiệp

Người học nghề pha chế thường phải học những kiến thức liên quan đến các loại đồ uống, và được hướng dẫn, tập luyện các kỹ năng pha chế, kỹ năng trang trí, bày biện các loại thức uống khác nhau, và cả những kỹ năng kiểm tra, bảo quản trang thiết bị, chuẩn bị nguyên liệu pha chế, kỹ năng phục vụ đồ uống, phục vụ khách hàng…

Mọi lĩnh vực nghề nghiệp trong xã hội đều lấy kiến thức và kỹ năng làm nền tảng, Bartender cũng không ngoại lệ. Cho nên, muốn trở thành một người pha chế giỏi, bạn phải có kiến thức chuyên môn vững và thành thạo các kỹ năng trong nghề của mình. Là một Bartender, bạn phải am hiểu tính chất, đặc điểm của từng loại rượu, biết cách kết hợp rượu với các nguyên liệu khác để tạo ra đồ uống có hương vị thơm ngon, mới mẻ. Bên cạnh đó, bạn phải thành thạo những kỹ thuật pha chế để có thể pha chế thức uống thành công, và đặc biệt là có thể trình diễn trước khách hàng, điều này sẽ thu hút khách hàng và tạo ấn tượng tốt với họ, khiến họ hào hứng chờ đợi để thưởng thức các thức uống mà bạn pha chế.

Khóa học về Bartender thường kéo dài từ khoảng vài tháng đến một năm, tùy theo mức độ chuyên sâu mà người học muốn học tập.

Trong con đường nghề nghiệp của Bartender thì người làm nghề này thường kinh qua nhiều vị trí, cấp bậc khác nhau trong nghề, tùy theo năng lực, và trình độ kỹ năng nghề nghiệp và năng lực quản lý của mỗi cá nhân. Thông thường thì con đường thăng tiến sự nghiệp của một Bartender sẽ theo lộ trình như sau: đầu tiên sẽ là nhân viên pha chế phụ, sau đó trở thành nhân viên pha chế phụ, rồi đến trưởng ca/trưởng nhóm pha chế, tiếp đến là trở thành giám sát bộ phận pha chế, rồi quản lý bộ phận pha chế, và rồi làm quản lý bộ phận ẩm thực, và có thể trở thành giám đốc bộ phận ẩm thực. Sự thăng tiến nhanh hay chậm và có thể đốt cháy giai đoạn là tùy thuộc vào năng lực của mỗi người. Và khi có sự thăng tiến trong công việc thì cũng đồng nghĩa với việc nâng cao mức lương, mức thu nhập.

2. Cơ hội nghề nghiệp của nghề pha chế

Với sự phát triển mạnh của loại hình kinh doanh dịch vụ ẩm thực, quán bar, cà phê, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, rất nhiều cơ hội việc làm đến với người học nghề pha chế. Với sự phát triển của trình độ dân trí và lối sống ngày càng cao trong xã hội, nhu cầu ẩm thực của người dân ngày càng nâng cao, người dân không còn vật lộn để có ăn no mặc ấm nữa, mà lúc này mọi người đang hướng tới anh ngon mặc đẹp, và cao hơn nữa ăn mặc sành điệu, thời thượng, cho nên không chỉ có các thành phố lớn có nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán bả, mà ngay cả những tỉnh lẻ, những vùng nông thôn cũng có nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán giải khát được mở ra. Chính vì vậy mà nhu cầu về nghề pha chế ngày càng tăng càng, người học nghề pha chế không sợ thất nghiệp.

Người học nghề pha chế có thể đảm trách các công việc sau:

– Làm nhân viên pha chế cho các quán cà phê, bar, lounge, quầy bar nhà hàng, khách sạn…

– Làm nhóm trưởng, giám sát bộ phận, quản lý bộ phận, hoặc thậm chí là làm giám đốc bộ phận pha chế, ẩm thực tại các cafe có quy mô lớn, tại các quán bar, hoặc tại các nhà hàng, khách sạn, các khu resort…

– Và nếu có vốn, có năng lực quản lý, điều hành thì người học nghề pha chế hoàn toàn có khả năng tự mở quán cafe, quán bar, nhà hàng để tự kinh doanh, tự làm chủ hoạt động kinh doanh của mình.

3. Những phẩm chất cần có của một người làm nghề Bartender

Để theo học và sống tốt với nghề Bartender thì người học cần có những phẩm chất và năng lực sau đây:

– Là người có tính sáng tạo và linh hoạt

– Có tính thẩm mỹ cao

– Có khứu giác và vị giác nhạy bén

– Có tình kiên trì và không ngừng học hỏi

– Nếu sử dụng được tiếng Anh trong giao tiếp thì sẽ có nhiều cơ hội thăng tiến hơn.

 4. Có thể học nghề pha chế ở đâu?

Ngày nay, do nhu cầu xã hội ngày càng cao đối với nghề pha chế, cho nên ngày càng có nhiều trường, nhiều trung tâm đào tạo nghề pha chế mở ra ở nhiều tỉnh thành trong nước. Dưới đây là một số trường, trung tâm có đào tạo nghề pha chế:

Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:

– Trường Cao đẳng Văn Lang, Hà Nội

– Trường dạy nghề ẩm thực Netspace

Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:

– Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus, tại Đà Nẵng

– Trường Cao đẳng nghề Việt – Úc Đà Nẵng

Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:

– Trường Quản lý khách sạn Việt Úc

– Trường Hướng nghiệp Á Âu tại TP.HCM

– Trường Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist

– Trường Cao Đẳng Viễn Đông

Chúc các bạn chọn đúng ngành, nghề để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.

BBT Chọn Ngành Nghề