Luật sư là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền lợi cho thân chủ tại tòa án, trong các vụ án, các vụ việc và yêu cầu khác theo qui định của pháp luật. Các vụ án, vụ việc và yêu cầu có thể liên quan đến những lĩnh vực khác nhau như hình sự, dân sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, sở hữu trí tuệ…
Nhiệm vụ chủ yếu gồm:
- Tiến hành nghiên cứu trên các lí thuyết pháp lí và mối quan hệ của chúng với các điều luật hoặc dự luật cụ thể;
- Soạn thảo luật và các qui định của Chính phủ dựa trên pháp luật hiện hành;
- Đưa ra lời khuyên pháp lí cho khách hàng, bao gồm cả Chính phủ trên nhiều loại vấn đề khác nhau và thay mặt cho khách hàng thực hiện các công việc pháp lí;
- Hỗ trợ khách hàng để đàm phán, dàn xếp trong những vấn đề liên quan đến tranh chấp pháp lí;
- Kiểm tra các trường hợp tranh chấp hoặc báo cáo tội phạm để xác định sự kiện và ý nghĩa pháp lí của họ;
- Chuẩn bị lời biện hộ hoặc các tình huống cho nguyên đơn hoặc bị đơn và trình bày tại tòa án;
- Đóng vai trò là công tố viên đại diện cho Chính phủ trong các vụ án hình sự.
Năng lực thiết yếu: Năng lực ngôn ngữ
Năng lực bổ sung: Năng lực phân tích – logic
Học vấn tối thiểu: Tốt nghiệp THPT hoặc tương đương
Con đường học tập:
- Theo học ĐH chuyên ngành Luật.
- Học khóa đào tạo nghề luật sư trong thời gian 12 tháng tại cơ sở đào tạo nghề luật sư do chính phủ qui định, ví dụ như Học viện Tư pháp.
- Nhận Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.
- Đăng kí tập sự tại Đoàn Luật sư và tập sự 12 tháng tại một văn phòng luật sư hoặc công ty luật. Kiểm tra kết quả tập sự tại kì kiểm tra của Liên đoàn luật sư Việt Nam để được xét cấp chứng chỉ hành nghề luật sư.
- Nhận chứng chỉ hành nghề luật sư
- Gia nhập một Đoàn luật sư để được cấp Thẻ luật sư
- Có thể lựa chọn tiếp tục học các bậc học sau đại học.
Các trường có đào tạo:
- ĐH Luật Hà Nội
- ĐHQG Hà Nội – Khoa Luật
- ĐH Luật Tp HCM
- ĐHQG TpHCM – ĐH Kinh tế – Luật
- ĐH Huế – ĐH Luật
- ĐH Đà Nẵng – ĐH Kinh tế
Nguồn: Sách Tra Cứu Nghề của Tổ chức Lao Động Quốc Tế, 2020