Nghề làm bánh: Những cơ hội và thách thức

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, nghề làm bánh đang dần trở thành một nghề quan trọng của xã hội với rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn và có mức thu nhập cao. Hiểu được thực tế đó, việc trở thành một đầu bếp bánh chuyên nghiệp và được làm việc cho các thương hiệu bánh nổi tiếng của Việt Nam và của thế giới, hoặc làm việc trong các gian bếp bánh của các nhà hàng, khách sạn, resort sang trọng, đẳng cấp… hay làm chủ các tiệm bánh là lựa chọn của rất nhiều người thuộc các độ tuổi, giới tính khác nhau.

Ở bài viết này, Chọn Ngành Nghề sẽ cùng với bạn đọc bàn về những cợ hội và thách thức của nghề làm bánh hiện nay.

1. Những cơ hội của nghề làm bánh

Trong xu thế hiện tại, nhu cầu tuyển thợ làm bánh chuyên nghiệp đang rất cao và hiện tại nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn và lành nghề còn đang thiếu. Hơn nữa, nghề này có thể làm việc ở khắp các tỉnh thành trong cả nước, làm việc cho các tiệm bánh, các công ty bánh kẹo, các nhà hàng, khách sạn, các quán cà phê bánh ngọt,… Cho nên, người học nghề này không nhất thiết là phải tập trung về các thành phố lớn trong nước mới xin được việc làm, mới có cơ hội lập nghiệp.

Bên cạnh đó, người thợ làm bánh cũng có thể không quá khó khăn để mở một tiệm bán bánh ngọt, hoặc một quán cà phê + bánh ngọt và tự mình làm chủ, tự mình quản lý.

hoa lam banh
Nghề làm bánh có nhiều cơ hội những cũng không ít thách thức

Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, càng ngày càng có nhiều nguyên liệu mới, nhiều máy móc, thiết bị kỹ thuật được tạo ra, hỗ trợ rất hiệu quả cho việc sản xuất và chế biến các loại bánh ngọt khác nhau. Nhờ đó mà các người thợ làm bánh có thể tạo ra được nhiều loại bánh với các loại chất liệu, nguyên liệu, các hình dạng, kiểu dáng và kích thước khác nhau. Và các phương tiện kỹ thuật hiện đại cũng giúp cho quá trình chế biến bánh ngọt cũng dễ dàng và tiện lợi hơn rất nhiều so với trước đây.

Một điều rất đáng để nói đến về phương diện cơ hội của nghề này nữa là không tốn quá nhiều thời gian, kinh phí để học. Người học có thể dành khoảng 3 – 6 tháng là có thể tốt nghiệp và vững vàng về tay nghề rồi. Ngoài ra, ai muốn học chuyên sâu và chuyên nghiệp hơn thì có thể học các lớp trung cấp về làm bánh, thời gian học các khóa học này kéo dài hơn, từ 1,5 năm đến 2 năm. Nói chung là việc đầu tư thời gian và kinh phí để học nghề này so với các nghề khác là ngắn hơn và ít tốn kém hơn. Đặc biệt phù hợp cho những ai muốn sớm có việc làm, có thu nhập để trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình.

2. Những thách thức, khó khăn của nghề làm bánh

Bên cạnh những thuận lợi và những cơ hội để phát triển nghề làm bánh như đã nêu ở trên thì cũng như tất cả mọi ngành nghề, công việc trong cuộc sống, nghề này cũng có những khó khăn, thách thức nhất định.

2.1. Đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng nhất định

Thách thức đầu tiên đối với người thợ làm bánh là đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng nhất định về làm bánh, về các loại bánh thì mới có thể làm được. Dù với loại bánh đơn giản hay cầu kỳ, để làm hài lòng thực khách thì không phải cứ áp dụng công thức vào làm là sẽ cho ngay thành phẩm hoàn hảo. Đó cũng là lý do tại sao cùng công thức làm bánh như nhau mà hầu hết những người được đào tạo chuyên nghiệp, hoặc tự học, tự nghiên cứu kỹ lưỡng, lại tạo ra những cái bánh có chất lượng và hương vị khác biệt hoàn toàn so với người mới chập chững tự học, tự làm.

Hơn nữa, nhu cầu ẩm thực và thẩm mỹ của mọi người ngày càng nâng cao cho nên đòi hỏi người thợ làm bánh cũng phải không ngừng tự học, tự hoàn thiện kiến thức và tay nghề của mình để không bị lỗi thời, không bị lạc hậu. Đó là những kiến thức về các nguyên liệu, kiến thức chế biến, trang trí, tạo hình và văn hóa ẩm thực…, là hàng trăm kỹ thuật khác nhau để có thể linh hoạt kết hợp trong quá trình làm bánh. Bên cạnh đó, người làm bánh cũng phải không ngừng nắm bắt thông tin để cập nhật những xu hướng, kỹ năng, trào lưu làm bánh mới nhất, phải không ngừng học hỏi và tập luyện trong việc sử dụng các trang thiết bị, nguyên liệu, máy móc hiện đại vào trong việc làm bánh.

2.2. Đòi hỏi rất cao về tính cẩn thận, kỹ lưỡng

Thách thức tiếp theo của người thợ làm bánh là đòi hỏi rất cao về tính cẩn thận, kỹ lưỡng. Trong quá trình làm bánh đòi hỏi người thợ làm bánh phải kỹ lưỡng trong từng khâu, từng quá trình, từng chi tiết rất nhỏ. Chỉ cần sai một khâu nào đó dù nhỏ nhất, thành phẩm cuối cùng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nếu không tuân thủ những quy định, không cẩn thận, kỹ lưỡng trong từng công đoạn, với từng kỹ thuật, hoạt tiết của cái bánh thì người làm bánh khó có thể thành công được.

2.3. Áp lực về tinh thần

Áp lực về tinh thần cũng là một trong những khó khăn, trở ngại lớn của nghề làm bánh. Công việc của thợ làm bánh tưởng như nhẹ nhàng nhưng vẫn rất áp lực cả về đầu óc lẫn tinh thần. Để trở thành một người thợ làm bánh chuyên nghiệp và thành công, ngoài kiến thức sâu rộng, kỹ năng điêu luyện, họ còn phải sáng tạo không ngừng để làm nên những món bánh ngon mang đậm dấu ấn cá nhân. Với những thợ làm bánh đã ở những vị trí cao như: Tổ trưởng, Bếp trưởng…, họ luôn phải có sẵn ý tưởng cho món bánh ngay từ khi lên thực đơn hay phải đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng, của những món bánh có các công đoạn khó, phức tạp… và phải không ngừng sáng tạo, nâng cao tính thẩm mỹ và tập trung trong công việc của mình.

2.4. Áp lực về thể chất

Nghề làm bánh là một công việc tay chân, có những món bánh phải thực hiện rất nhiều khâu, cần nhào bột hay thực hiện các thao tác liên tục, cần sử dụng những loại máy móc có trọng lượng lớn, phải tiếp xúc với lò nướng nóng, với đủ loại nguyên liệu, gia vị, thực phẩm có mùi, thường xuyên phải dậy sớm, thức khuya, vận động nhiều… Cho nên, để có thể làm việc hiệu quả và trụ vững với nghề thì đòi hỏi người thợ làm bánh phải có sức khỏe tốt. Cũng do tính chất công việc làm bánh như thế cho nên người thợ làm bánh cũng dễ mắc phải một số bệnh nghề nghiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe như: đau lưng, đau nhức tay chân, đau cổ vai gáy…

2.5. Áp lực về thời gian

Công việc của người thợ bánh chuyên nghiệp đôi khi cũng chịu rất nhiều áp lực về thời gian, nhất là vào những dịp lễ tết, những lúc cao điểm trong năm. Vì đây vốn dĩ là một ngành dịch vụ, phục vụ khách hàng, cho nên những lúc người dân ăn chơi, hội hè, du lịch, nghỉ dưỡng, tiệc tùng… lại là lúc mà người thợ làm bánh phải vắt kiệt sức để làm, để phục vụ khách hàng. Tình trạng làm việc vào dịp cuối tuần, lễ tết, làm tăng ca, làm thâu đêm suốt sáng đối với người thợ làm bánh là điều không thể tránh khỏi, nhất là vào những dịp cao điểm.  

Có thể nói, không có thành công, trái ngọt nào mà không phải đổ mồ hôi, công sức. Muốn thành công thì chắc chắn phải chấp nhận nhiều khó khăn, vất vã, phải vượt qua nhiều gian nan, thử thách. Mỗi ngành nghề, mỗi công việc đều có khó khăn, thách thức riêng của nó. Không có ngành nghề nào là dễ dàng đạt được thành công cả. Nếu bạn có đam mê, ham học hỏi và chịu khó nâng cao kỹ năng, trình độ của mình thì không ngại gì những khó khăn, thách thức, chắc chắn bạn sẽ đạt được những thành công như mong đợi.

BBT Chọn Ngành Nghề