Nghề làm bánh là một nghề khá mới mẽ ở Việt Nam chúng ta, mới được phát triển theo xu thế hiện đại trong những năm đầu của thế kỷ 21. Ở các nước phát triển thì nghề này đã trở thành một ngành nghề có tốc độ phát triển rất cao. Trong bài viết này, Chọn Ngành Nghề sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản liên quan đến việc học tập và cơ hội việc làm của nghề làm bánh.
1. Giới thiệu về nghề làm bánh
Người Việt Nam có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa”, cho nên khi xã hội phát triển thì nhu cầu ăn uống của người dân không còn là “ăn no, mặc ấm” nữa mà sẽ dần tiến lên theo xu hướng là “ăn ngon, mặc đẹp”. Và để phục vụ cho nhu cầu ăn ngon và cả nhu cầu thẩm mỹ trong ẩm thực của người dân, ngày càng có nhiều loại bánh được sản xuất với chất lượng phong phú, kiểu dáng đa dạng và rất bắt mắt. Để có thể đáp ứng được nhu cầu ẩm thực và thẩm mỹ của khách hàng liên quan đến các loại bánh thì đòi hỏi người thợ phải có tay nghề, phải được đào tạo chuyên môn một cách bài bản.
Để trở thành một người thợ làm bánh chuyên nghiệp, bạn phải học và thực hành từ những điều rất cơ bản liên quan đến làm bánh, như là việc vệ sinh công cụ, dụng cụ, chuẩn bị nguyên liệu, dọn dẹp gian bếp,… sau đó mới đến học các kỹ thuật làm từng loại bánh khác nhau. Bên cạnh đó, bạn phải học những kiến thức liên quan đến các nguyên vật liệu dùng để làm bánh, học cách sử dụng, vận hành các máy móc, thiết bị liên quan đến việc nấu bánh, nướng bánh, học các kỹ thuật tạo hình, trang trí để tạo ra những cái bánh vừa ngon, vừa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mà lại vừa bắt mắt… Nói chung là bạn phải học khá nhiều thứ để trở thành một người thợ làm bánh lành nghề.

Do tính chất đặc thù của nghề làm bánh là thường để phục vụ các bữa ăn hoặc các bữa tiệc của khách hàng cho nên đòi hỏi người thợ phải thường xuyên thức khuya, dậy sớm, hoặc làm việc theo ca, làm cả những ngày cuối tuần và đặc biệt là làm việc với cường độ cao khi vào mùa cao điểm, các dịp lễ tết, các sự kiện lớn,… Đây là những đặc điểm đặc trưng của nghề này, nó cũng tương tự như nghề đầu bếp vậy.
2. Cơ hội việc làm đối với nghề làm bánh
Đây là một nghề còn rất mới tại Việt Nam, nhu cầu về nguồn lao động đang cao và đang thiếu lực lượng lao động lành nghề. Cho nên, chỉ cần bạn được đào tạo tốt, có tay nghề vững vàng, cộng với sự tự tin và năng động thì không lo thất nghiệp với nghề này. Học nghề làm bánh, bạn có thể làm các công việc sau:
– Làm nhân viên làm bánh cho những công ty, thương hiệu làm bánh, sản xuất bánh kẹo có uy tín trải khắp các tỉnh thành trong cả nước.
– Làm đầu bếp phụ trách công việc làm bánh tại các nhà hàng, khách sạn.
– Làm người phụ trách làm bánh cho các quán Cà phê + Bánh ngọt
– Nếu bạn đủ tự tin, lanh lợi và có ít vốn, bạn có thể tự mở tiệm làm bánh để kinh doanh.
– Và ngoài thời gian đi làm cho các công ty, các tiệm bánh, các nhà hàng, quán cà phê…, bằng tay nghề của mình, bạn có thể tự làm bánh ở nhà và bán bánh qua các kênh khác nhau nếu bạn chưa đủ khả năng để tự mở tiệm bánh.
Nói chung, chỉ cần bạn có tay nghề làm bánh, cùng với sự chịu khó, quyết tâm thì nghề này sẽ giúp bạn có được một cuộc sống ổn định và càng ngày càng thăng tiến.
3. Nghề này cần có những tố chất gì?
Dù cơ hội việc làm và khả năng thu nhập khá cao, nhưng phải thừa nhận rằng, làm bánh là một nghề khá vất vã, do vậy, để theo đuổi nghề này và để thành công với nghề thì đòi hỏi người học phải có những tố chất sau:
– Phải có sức khỏe tốt để đảm bảo có thể làm việc với cường độ cao
– Không ngại và không cảm thấy khó chịu khi tiếp xúc với các mùi của thực phẩm, của nhà bếp.
– Cơ thể có thể chịu đựng được khi làm việc trong không gian có nhiệt độ cao
– Phải có tính tỉ mĩ và sự khéo tay
– Đam mê việc làm bánh và không ngừng học hỏi, sáng tạo để phát triển tay nghề
4. Có thể học làm bánh ở đâu?
Để có cơ hội thăng tiến cao và khẳng định được vị thế của mình trong nghề và có khả năng phát triển tốt thì bạn nên chọn học ở những trường hoặc những trung tâm đào tạo nghề chuyên nghiệp, những nơi mà có các chuyên gia có trình độ và có chuyên môn giỏi truyền đạt kiến thức và tay nghề cho học viên, và đặc biệt là ở đó người học vừa được truyền thụ kiến thức chuyên môn liên quan đến ngành nghề đang học và vừa được thực hành. Nếu nơi đào tạo chỉ cung cấp kiến thức mà rất ít cơ hội thực hành cũng không được, nơi đào tạo mà chỉ bắt chước làm theo cùng với những chỉ dẫn trực tiếp, thông thường thì cũng không ổn. Thời gian học nghề này có thể dao động từ 3 đến 6 tháng. Bạn có thể học những khóa học căn bản về cách làm các loại bánh, sau đó chọn học những khóa chuyên sâu về một số loại bánh đặc thù nào đó mà bạn thích hoặc có định hướng phát triển riêng của mình. Hoặc bạn có thể chọn học nghề này thông qua các khóa đào tạo chuyên nghiệp tại các trường Trung cấp, Cao đẳng thì thời gian học có thể là từ 1 – 2 năm. Chọn Ngành Nghề xin giới thiệu bạn đọc một vài trường/trung tâm đào tạo nghề làm bánh mà theo đánh giá khách quan của chúng tôi là khá tốt:
Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:
– Trường Cao đẳng Văn Lang, Hà Nội
– Trường dạy nghề ẩm thực Netspace
Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:
– Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus, tại Đà Nẵng
– Trường Cao đẳng nghề Việt – Úc Đà Nẵng
Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học nghề này tại các trường sau:
– Trường Quản lý khách sạn Việt Úc
– Trường Hướng nghiệp Á Âu tại TP.HCM
– Trường Trung cấp Du lịch & Khách sạn Saigontourist
– Nhà văn hoá Phụ Nữ Thành phố Hồ Chí Minh
Chúc các bạn chọn đúng ngành, nghề để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.