Nghề giáo viên: Nghề cao quý nhưng lắm gian nan

Nghề giáo viên từ xưa cho tới nay luôn được xã hội ta đánh giá là nghề cao quý. Người xưa đã dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Không thầy đố mày làm nên”… Những câu tục ngữ này cho thấy được lòng trân trọng, sự kính yêu của người dân dành cho những nhà giáo. Tuy nhiên, trong xã hội Việt Nam hiện tại, nghề giáo là một trong những nghề cũng lắm gian nan, vất vả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Trong bài viết này, Chonnganhnghe.com sẽ giới thiệu những thông tin cần thiết về nghề giáo viên để bạn đọc có những hiểu biết đúng đắn về nghề giáo và đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho mình.

1. Giới thiệu về nghề giáo viên

Nghề giáo viên là nghề giảng dạy, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên. Nếu người tham gia giảng dạy ở các trường mầm non, phổ thông, các trường trung cấp nghề thì thường được gọi là giáo viên (thầy giáo, cô giáo), còn nếu người giảng dạy ở các trường cao đẳng, đại học, các học viện thì thường được gọi là giảng viên.

Nghề giáo viên là nghề cao quý và đem lại nhiều niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống

Giáo viên không chỉ đóng vai trò là người truyền đạt tri thức thông thường mà phải là người tổ chức, chỉ đạo, hướng dẫn, gợi mở, cố vấn cho các hoạt động học tập, tìm tòi, khám phá, giúp học sinh chiếm lĩnh, nắm vững kiến thức và tích lũy kinh nghiệm, hình thành các kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, hình thành những thái độ sống đúng đắn cho bản thân. Giáo viên phải có năng lực dạy học, năng lực giáo dục, biết đổi mới phương pháp dạy học, có phẩm chất đạo đức tốt, là tấm gương sáng, là hình ảnh mẫu mực, lý tưởng cho học sinh noi theo. Bằng chính nhân cách của mình, giáo viên tác động tích cực đến sự hình thành nhân cách của học sinh, giáo viên phải là một công dân gương mẫu, có ý thức trách nhiệm xã hội, hăng hái tham gia vào sự phát triển của cộng đồng, là nhân vật chủ yếu góp phần hình thành bầu không khí dân chủ trong lớp học, trong nhà trường, có lòng yêu giới trẻ và có khả năng tương tác với giới trẻ.

Các công việc chính của một người giáo viên là chuẩn bị nội dung và đồ dùng, phương tiện dạy học, lên kế hoạch dạy học, tiến hành các tiết dạy học, thực hành và phát triển các khóa học nằm trong chương trình giảng dạy của nhà trường đề ra, đồng thời cũng là người kiểm tra, ra đề, chấm điểm thi cho học sinh để đánh giá chất lượng, năng lực của từng học sinh. Bên cạnh đó, người giáo viên phải làm các công tác giáo dục học sinh trong nhà trường, như là tư vấn, hỗ trợ khi học sinh gặp những khó khăn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong việc định hướng học tập và chọn nghề trong tương lai, làm công tác chủ nhiệm và các công tác khác trong nhà trường.

Trong xã hội hiện đại, với sự phát triển và phổ biến rộng rãi của các sản phẩm khoa học công nghệ, sự phát triển nhanh và xu hướng hội nhập của xã hội, người giáo viên phải là nhà giáo dục có năng lực phát triển cảm xúc, thái độ, hành vi cho học sinh, bảo đảm người học làm chủ được và biết ứng dụng hợp lý tri thức học được vào cuộc sống bản thân, gia đình, cộng đồng, giúp các em trở thành một thành viên của xã hội, hòa nhập vào xã hội và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.

Người giáo viên luôn phải có ý thức, có nhu cầu, có năng lực tự hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phát huy tính chủ động, độc lập, sáng tạo trong hoạt động sư phạm, biết phối hợp nhịp nhàng với tập thể sư phạm nhà trường trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục.

Quá trình đào tạo ở trường sư phạm chỉ là sự đào tạo ban đầu, là cơ sở cho quá trình đào tạo tiếp theo trong đó sự tự học, tự đào tạo đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành đạt của mỗi giáo viên. Giáo viên phải có năng lực giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn dạy học, giáo dục bằng con đường tổng kết kinh nghiệm, phát huy sáng kiến, thực nghiệm sư phạm.

Cùng với đó, trong thời đại công nghệ hiện nay, đòi hỏi giáo viên phải có trình độ tin học và sử dụng phương tiện công nghệ thông tin trong dạy học, phải có trình độ ngoại ngữ nhất định mới theo kịp yêu cầu phát triển nội dung, đổi mới phương pháp dạy học môn học của mình ở trường.

Hơn nữa, làm giáo viên, không chỉ là có mức thu nhập trung bình (phần đông là vậy), mà còn chịu nhiều áp lực, như là áp lực từ chương trình đào tạo, áp lực từ lãnh đạo nhà trường, áp lực từ công việc dạy học, giáo dục, áp lực từ phía học sinh, áp lực từ phía phụ huynh; rồi những chứng bệnh nghề nghiệp như bệnh về cổ họng (vì phải nói nhiều), bệnh về phổi (do hít phải bụi phấn), bệnh về xương khớp (do phải đứng nhiều)…

Nói đến nghề giáo viên thì có rất nhiều cấp bậc, nhiều loại khác nhau, như là: Giáo viên Mầm non, Giáo viên Tiểu học, Giáo viên Trung học, Giảng viên đại học, Giáo viên Nghệ thuật, Giáo viên Thể dục, Giáo viên Khoa học Tự Nhiên, Giáo viên Xã hội và Nhân văn, Giáo viên Ngoại ngữ, Giáo viên giáo dục đặc biệt… Mỗi cấp học, mỗi môn học, ngành học có những đặc thù riêng về tính chất công việc và chế độ làm việc của giáo viên.

Thời gian đào tạo giáo viên theo chương trình đại học thì thường là 4 năm, theo chương trình cao đẳng thì thường là 3 năm. Trước đây, muốn trở thành giáo viên thì người học phải theo học các ngành, các chuyên ngành trong các trường đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm. Tuy nhiên, ngày 05/4/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 11/2021/TT-BGDĐT và số 12/2021/TT-BGDĐT, cho phép những người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp (không thuộc trường sư phạm) có nguyện vọng trở thành giáo viên, và để trở thành giáo viên thì những người tốt nghiệp cử nhân này phải học qua chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trong khoảng 6 tháng, do các trường sư phạm hoặc các trường bồi dưỡng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng.

2. Cơ hội nghề nghiệp của nghề giáo viên

Nghề giáo viên là một nghề căn bản và thiết yếu trong xã hội, ở đâu có thế hệ trẻ thì ở đó cần có trường học và cần có đội ngũ giáo viên để phụ trách công tác dạy học, giáo dục cho thế hệ trẻ. Dân số ngày càng tăng, cho nên nhu cầu học tập cũng tăng theo, từ đó mà ngày càng có nhiều trường lớp mở ra và nhu cầu tuyển dụng giáo viên cũng tăng theo.

Đặc biệt, ngày nay với rất nhiều mô hình trường học được mở ra, như là trường công lập, trường tư thục, trường quốc tế, trường chuyên biệt, trường dân tộc nội trú… cơ hội nghề nghiệp cho nghề giáo viên luôn rộng mở. Chỉ cần bạn thực học và có năng lực, chấp nhận dấn thân thì không sợ bị thất nghiệp với nghề giáo viên.

Tùy theo ngành các bạn học, tuy theo chương trình đào tạo các bạn tham gia mà bạn có thể đảm nhiệm công việc giáo viên tương ứng. Chẳng hạn: Bạn học chuyên ngành sư phạm mầm non thì sẽ trở thành giáo viên mầm non, bạn học chuyên ngành sư phạm tiểu học thì sẽ trở thành giáo viên tiểu học, bạn học tiếng Anh thì sẽ trở thành giáo viên tiếng Anh, bạn học toán thì sẽ trở thành giáo viên Toán…

Ngoài ra, tùy theo năng lực và trình độ của bạn mà bạn có thể trở thành giáo viên ở các trường phổ thông, trường trung cấp nghề,… hoặc là giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học, các học viện.

Không những thế, trong khi làm giáo viên, nếu bạn có năng lực và phẩm chất đạo đức tốt thì sẽ có cơ hội để lên làm quản lý, làm hiệu phó, hiệu trưởng ở các trường.

Bên cạnh đó, nếu là giảng viên, bạn còn có thể trở thành nhà nghiên cứu, trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của bạn, cố vấn cho các tổ chức, công ty trong và ngoài nước.

3. Những tố chất cần thiết đối với nghề giáo viên

Nghề giáo là một nghề rất gian nan và vất vả, chịu áp lực từ nhiều phía và mức thu nhập của giáo viên ở Việt Nam của chúng ta trong hiện tại thì phần lớn là chỉ đủ sống một cuộc sống bình dị mà thôi, không thể nào sung túc được. Do vậy, để trở thành một giáo viên thì bạn cần phải có những tố chất sau:

– Nhiệt tình với công việc dạy học và giáo dục của mình

– Có tinh thần và khả năng tự học, tự nghiên cứu và không ngừng nâng cao trình độ

– Có khả năng truyền tải tri thức cho học sinh

– Thích làm việc với học sinh, thương yêu học sinh

– Có tính kiên nhẫn và có khả năng kiềm chế, làm chủ cảm xúc tốt.

– Chấp nhận những quyền lợi ở mức vừa phải của người giáo viên

– Thích sống một cuộc sống bình dị và thanh cao, đầy ý nghĩa.

– Sẵn sàng dấn thân, cống hiến hết mình cho học sinh trong các hoạt động giáo dục.

– Biết tôn trọng và chân thành với học sinh

– Có tính kiên trì và không ngại gian nan, vất vả.

– Có khả năng chịu được áp lực trong công việc và luôn lạc quan, tích cực.

– Có phẩm chất, đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm cao.

4. Nghề giáo viên có thể học ở đâu?

Như Chonnganhnghe.com đã chia sẻ ở trên, muốn trở thành giáo viên thì trước đây là bạn phải học ở các trường đại học sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, nhưng bây giờ thì bạn học trường đại học nào cũng có thể trở thành giáo viên theo chuyên ngành mà bạn đã học được hết (nếu không học từ trường sư phạm thì bạn học thêm khóa bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm).

Hệ thống các trường đại học và cao đẳng thì hiện tại ở nước ta hầu hết tỉnh thành nào cũng có. Tùy theo sở thích và năng lực của bạn mà bạn chọn một ngành học phù hợp cho mình để theo học và trở thành giáo viên của ngành học đó.

Trên đây là một số thông tin căn bản về nghề giáo viên mà Chonnganhnghe.com cung cấp đến bạn đọc. Chúc các bạn chọn đúng ngành nghề để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.

BBT Chọn Ngành Nghề