Ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo

Đức Phật Thích Ca đã thành đạo như thế nào? Ngày nào là ngày vía Đức Phật Thích Ca thành đạo? Trong bài viết này, Tri Thức Hay sẽ giúp bạn đọc trả lời những câu hỏi quan trọng này.

Sau khi vượt thành xuất gia tìm đạo, trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già mà vẫn chưa đạt được quả vị giác ngộ, Sa Môn Cồ Đàm đã đến dưới cội Bồ đề tại Bodh Gaya để chuyên tâm thiền định. Suốt 49 ngày đêm quyết chí tham thiền, nhập định, quán chiếu vạn pháp, đến đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc, Ngài đã chứng quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo. Sau khi thành đạo, Ngài đã không ngừng giáo hóa độ sanh.

Ngài đi khắp xứ Ấn Độ để thuyết pháp, giáo hóa chúng sanh, đưa người mê về nơi bến giác. Sau đó, những lời dạy cao quý của Ngài đã đươc truyền bá khắp năm châu, đem lại lợi ích vô cùng lớn cho nhân quần xã hội từ xưa cho đến nay, và cả tương lai về sau nữa. 

Đức Phật dạy rằng, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có bản tâm chân thật vượt mọi đối đãi, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Tánh giác bình đẳng ở muôn loài, hiển lộ qua sáu căn. Khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng… mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu, hay dở, thì tánh giác hiện tiền, không phải tìm cầu đâu xa. Hạng phàm phu chúng ta luôn chạy theo trần cảnh, tạo nghiệp thiện ác không cùng, rồi trôi lăn trong sáu đường sinh tử. Khi tâm ta thanh tịnh, không bị ngoại cảnh mê hoặc, không bị tham, sân, si quấy nhiễu thì lúc đó trí giác tỏ ngộ, không còn sanh tử luân hồi nữa. Mục đích của sự tu hành là phải sửa đổi tâm mình, chuyển từ tâm bất thiện trở thành tâm hiền thiện, để từ đó nhận chân được Phật tâm hằng hữu ở nơi chính mình. Khi chúng ta nhận ra Phật tánh nơi chính mình và sống trọn vẹn với bản tâm ấy thì được gọi là Thành đạo. Cho nên, tu đạo là tu tâm, ngộ đạo là ngộ tâm, chứng đạo là chứng tâm, và thành đạo cũng là thành tại tâm chứ không đâu khác. Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật nơi chính mình.

Đức Phật đã thành đạo dưới cội Bồ Đề đến nay đã hơn 25 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo và tu hành của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy dẫn lối, chỉ đường cho chúng ta để ta không bị lầm lạc. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của cuộc đời. Còn vấn đề ngộ đạo thì phải tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.

Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật. Ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong Chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, khi đủ duyên lành thì tất nhiên sẽ trổ ra chánh quả. 

Đức Phật Thích Ca là một vị Phật lịch sử, ngài là một con người bằng xương bằng thịt đã được sinh ra trong cõi đời này, đã trưởng thành và xuất gia tu học, đã được giác ngộ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi, khỏi mọi khổ ải của cuộc sống. Ngài đã thành đạo tại cội Bồ Đề ở Bodh Gaya, cho nên nơi ấy được người Việt gọi là Bồ Đề Đạo Tràng. Ngày nay, cội bồ đề ấy đã trở thành một thánh tích thiêng liêng để cho tín đồ Phật tử và những người yêu mếm đạo Phật từ khắp nói trên thế giới đến chiêm bái và cầu nguyện. 

Tại Việt Nam chúng ta, cộng đồng Phật giáo đã lấy ngày 8/12/ÂL để kỷ niệm ngày Thành đạo của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đến ngày này, mọi người thường phát tâm tu tập, giữ gìn trai giới và chuyên tâm hành trì để có thể có được an lạc, hạnh phúc ngay trong hiện tại.

Minh Nguyên