Ngành Tâm lý học là một ngành có tính ứng dụng cao và đang ngày càng được xã hội đánh giá cao và người học ngành này ngày càng được xã hội trọng dụng.
1. Giới thiệu về ngành Tâm lý học
Tâm lý học (tiếng Anh là Psychology) là một ngành khoa học ra đời từ cuối thể kỷ thứ 19. Đây là một ngành khoa học nghiên cứu về các khía cạnh, các lĩnh vực đời sống tâm lý, và hành vi của con người.
Theo học ngành Tâm lý học (TLH), người học sẽ được đào tạo từ những kiến thức cơ sở tới nâng cao về lĩnh vực tâm lý như, giúp người học có thể hiểu rõ cơ chế hoạt động, vận hành và biểu hiện của các hiện tượng tâm lý, hành vi của con người, giúp người học có thể hiểu rõ về bản thân mình cũng như hiểu về tâm lý và hành vi của người khác. TLH cung cấp cho người học những thông tin, kiến thức về nguyên lý, cấu trúc, và chức năng, cách thức hoạt động của các yếu tố tâm lý trong đời sống nội tâm của con người.
Theo Chonnganhnghe.com, những kiến thức, lý thuyết và các thành tựu khoa học của ngành TLH hiện đang được ụng dụng rộng rãi và rất hiệu quả vào rất nhiều lĩnh vực trong cuộc sống. Chẳng hạn:
– Được ứng dụng vào trong lĩnh vực ý học, sức khỏe để giúp hỗ trợ, chữa trị những chứng bệnh liên quan đến rối loạn tâm lý, tâm lý lâm sàng, tâm lý trị liệu;
– Được ứng dụng vào trong lĩnh vực giáo dục để giúp đưa ra những nội dung, những phương pháp, những kỹ thuật giáo dục, dạy học hiệu quả trong nhà trường, trong gia đình; ứng dụng vào việc tư vấn tâm lý, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh; rồi ứng dụng vào trong giao tiếp, ứng xử sư phạm để nâng cao hiệu quả giáo dục thông qua mối quan hệ thầy – trò…
– Ứng dụng vào trong các công ty, doanh nghiệp để quản lý nhân sự, nâng cao năng lực quản lý, phong cách lãnh đạo, kỹ năng điều hành công ty, doanh nghiệp của các nhà quản lý; tạo động lực cho người lao động, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động cho người lao động; tạo bầu không khí tâm lý tích cực, lành mạnh trong môi trường làm việc,…
– Ứng dụng vào trong lĩnh vực quảng cáo, marketing để tìm hiểu thị hiếu và khám phá nhu cầu của khách hàng, nghiên cứu thị trường,… nhằm phát triển và mở rộng thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các công ty, doanh nghiệp.
– Ứng dụng vào trong lĩnh vực điều tra hình sự và tòa án nhằm hỗ trợ công tác điều tra, phá án của các cơ quan công quyền được chính xác và hiệu quả hơn.
– Ứng dụng vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công tác xã hội và các hoạt động phúc lợi xã hội nhằm nâng cao hiệu quả và đem lại sự hài lòng cho khách hàng và các đối tượng liên quan…
Nói chung, TLH là một lĩnh vực khoa học nghiên cứu về tâm lý con người và hướng đến phục vụ con người, đem lại sự an vui, hạnh phúc, và thành công cho mọi người trong mọi lĩnh vực, khía cạnh của cuộc sống. Có thể nói rằng, ở đâu có con người thì ở đó cần đến Tâm lý học.
Hiện nay, ngành TLH ở trên thế giới đã vàng đang phát triển rất mạnh. Ở Việt Nam thì ngành tâm lý học hiện này đã được xã hội nhận thức được tầm quan trọng của nó và bắt đầu quan tâm nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau trong xã hội. Trong chương trình đào tạo ngành TLH của các trường đại học ở nước ta hiện nay, sau thời gian học những môn chung, những môn căn bản của ngành TLH thì người học được phép chọn học những chuyên ngành (những phân ngành cụ thể) của ngành TLH, chẳng hạn như: Chuyên ngành Tâm lý trị liệu, chuyên ngành Tham vấn tâm lý, chuyên ngành Tâm lý học đường, chuyên ngành Quản lý nhân sự,…
Chính vì khả năng ứng dụng và tính thực tiễn của kiến thức TLH vào trong đời sống xã hội sâu rộng như thế nên cơ hội việc làm đối với người học ngành tâm lý học cũng rất là nhiều.
2. Học ngành Tâm lý học có thể làm những công việc gì?
Trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam, người học ngành TLH có thể làm những công việc sau:
– Làm giảng viên: Giảng dạy các môn liên quan đến ngành TLH ở các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp (thậm chí có thể làm giáo viên giảng dạy môn Đạo đức, Giáo dục công dân, giáo dục hướng nghiệp ở các trường phổ thông).
– Làm nghiên cứu viên: Công tác ở các viện, các trung tâm nghiên cứu để thực hiện các đề tài nghiên cứu, các công trình nghiên cứu của đơn vị mình, hoặc của các cơ quan, đơn vị khác.
– Làm chuyên gia tâm lý: Công tác ở các bệnh viện, trung tâm can thiệp, trị liệu, tư vấn tâm lý, hoặc tự mình làm chủ các trung tâm trị liệu, tư vấn tâm lý.
– Làm chuyên viên tư vấn học đường trong các trường phổ thông, trường đại học.
– Làm chuyên viên công tác xã hội, phụ trách công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân về các chính sách, các chủ trương, dự án phúc lợi xã hội ở các cơ quan hành chính nhà nước, như là làm việc ở Ban tuyên giáo, Ban Chăm sóc bà mẹ và trẻ em, Ban chính sách kế hoạch hóa gia đình, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên…
– Làm ở bộ phận quản lý nhân sự, bộ phần truyền thông, marketing… của các công ty, doanh nghiệp.
Trên đây là một số lĩnh vực công việc phổ biến mà người học ngành tâm lý học có thể ứng tuyển và có thể làm. Bên cạnh đó thì còn có nhiều ngành nghề khác cũng cần đến các chuyên gia tâm lý, như là làm việc trong lĩnh vực tòa án, điều tra hình sự, trong lĩnh vực thể dục thể thao, trong lĩnh vực cứu trợ nạn nhân thiên tai…
Ngành TLH không có yêu cầu gì đặc biệt đối với người học cả. Chỉ cần bạn có kỹ năng giao tiếp ổn, có tinh thần học hỏi và cầu tiến, có ý thức trách nhiệm cao, có khả năng tư duy độc lập là bạn có thể theo học ngành TLH.
3. Học ngành Tâm lý học thì có thể học ở các trường nào?
Hiện nay thì ngành Tâm lý học đã được đào tạo ở khá nhiều trường Đại học trong cả nước.
Ở khu vực miền Bắc, bạn có thể học ngành TLH tại các trường sau:
– Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
– Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia Hà Nội
– Trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên
– Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở Hà Nội)
Ở khu vực miền Trung, bạn có thể học ngành TLH tại các trường sau:
– Trường Đại học Sư Phạm Đà Nẵng
Ở khu vực miền Nam, bạn có thể học ngành TLH tại các trường sau:
– Trường Đại học Sư phạm TP.HCM
– Trường Đại học KHXH-NV, Đại học Quốc gia TP.HCM
– Đại học Lao động Xã hội (Cơ sở 2, TP.HCM)
Tổ hợp các môn thi hoặc xét tuyển vào ngành Tâm lý học thường là tổ hợp các môn thuộc khối B, khối C, hoặc khối D.
Chúc các bạn chọn đúng ngành để học và phát huy năng lực của bản thân, thành công trong cuộc sống.