Bồ Đề Đạo Tràng là một thánh tích tối quan trọng của Phật giáo, tọa lạc tại quận Gaya, bang Bihar, Ấn Độ, là nơi mà năm xưa Bồ tát Tất Đạt Đa đã chuyên tu thiền định và chứng ngộ đạo quả Vô thượng Bồ đề, trở thành một bậc giác ngộ tối thượng, bậc thầy của nhân thiên, đấng giáo chủ khai sáng đạo Phật ở thế gian.
Cũng thật là đặc biệt, không biết ai đã đặt tên cho bốn địa điểm gắn liền với bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời của Đức Phật là Tứ động tâm, đó là: Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Thái tử Tất Đạt Đa ra đời; Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Phật thành đạo; Vườn Nai (Lộc Uyển), nơi Phật chuyển vận bánh xe pháp lần đầu tiên; và thành Câu Thi Na, nơi Đức Phật nhập Vô dư Niết bàn. Chữ “động tâm” ở đây vừa là tính từ, mang nghĩa quan trọng, trọng điểm, vừa là động từ chỉ sự rung động, sự biến động ở trong thân tâm của người đến viếng thăm, đến chiêm bái. Ai đã một lần đặt chân đến một trong bốn địa điểm trên thì chắc chắn sẽ cảm nhận được thế nào là “động tâm”, sẽ thấu hiểu được sự thiêng liêng, mầu nhiệm và uy nghiêm của nơi thánh địa.
Đến với Bồ Đề Đạo Tràng, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt chúng ta là một tòa tháp uy nghiêm, hùng vĩ. Tòa tháp ấy chính là tháp Đại Giác, cao 52m, bốn mặt của ngôi tháp được chạm trổ rất tinh vi.
Theo những cứ liệu lịch sử thì Bồ Đề Đạo Tràng đã được vua A Dục khởi công xây dưng vào thế kỷ thứ III trước Tây lịch. Lúc đầu, vua cho xây Kim Cương tòa ở dưới gốc cây Bồ đề và một trụ đá để đánh dấu nơi thành đạo của Đức Phật. Sau đó vua cho tạo dựng một ngôi tháp. Trong khoảng thời gian từ 150 năm cho đến 300 năm sau khi vua A Dục kiến tạo Bồ đề Đạo tràng, đã có 3 mệnh phụ phu nhân góp công tôn tạo và bảo tồn khu thánh tích này. Những vị nữ tín chủ này đã xây dựng rào chắn bao quanh Kim Cương tòa và quanh trụ đá để bảo vệ chúng. Họ còn cho xây những điểm mốc đánh dấu những bước đi mầu nhiệm của đức Phật trong suốt 7 ngày của tuần thứ 3 sau khi ngài chứng đắc quả vị Vô thượng Chính đẳng Chính giác, trên mỗi điểm ấy có gắn hình hoa sen bằng đá.
Tiến vào bên trong ngôi Đại tháp, khách hành hương sẽ được chiêm ngưỡng một tôn tượng vô cùng đặc biệt của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Bức tượng này được điêu khắc vô cùng hoàn mỹ. Đấy là bức tượng Đức Thế Tôn đang ngồi trong tư thế kiết già, cao hơn 2 mét, với nét mặt điềm tĩnh và hiền hòa, tươi đẹp. Bức tượng này được tạc từ một tảng đá đen. Màu vàng của bức tượng như trong hiện tại là do về sau bức tượng đã được thếp vàng. Theo nhiều nguồn sử liệu ghi chép thì bức tượng này được tạo dựng vào khoảng thế kỷ thứ II sau Tây lịch, lúc mà Phật giáo Đại thừa phát triển nhanh và nghi thức thờ phụng tôn tượng bắt đầu nảy sinh và phát triển.
Cây Bồ đề thiêng liêng tại Bồ Đề Đạo Tràng cũng là một trong những hiện vật không kém phần quan trọng. Tuy đấy không phải là cây Bồ đề nguyên thủy, nhưng là một cây con được bắt nguồn từ cây Bồ đề gốc, nó vẫn có một sức mạnh tâm linh vĩ đại và có sức ảnh hưởng lớn đối với tín đồ hành hương. Chính tại dưới gốc cây Bồ đề này Bồ tát Tất Đạt Đa đã chứng quả vị Giác ngộ Tối thượng, và cũng chính dưới gốc cây này, sau khi chứng đạo, Đức Phật đã dành một tuần lễ đầu tiên để thiền quán và an hưởng niềm hỷ lạc vô biên của sự giác ngộ. Đến bên gốc cây Bồ đề, chí thành đảnh lễ, tưởng niệm và ngồi tĩnh tọa dưới bóng mát của tàng cây, khách hành hương sẽ dễ dàng cảm nhận được một niềm tịnh lạc lạ thường dấy khởi trong tâm.
Số phận của cây Bồ đề này cũng lắm thăng trầm. Vào thời vua A Dục, bởi vì vua quá sùng tín, quá yêu quý cây Bồ đề, dành nhiều thời gian cho nó, quan tâm đến nó còn hơn cả đối với hoàng hậu của vua, hoàng hậu Tissarakkha (đọc là Ti Sa Ra Kha), vì thế mà vị hoàng hậu này đã sinh tâm ghen ghét đối với cây Bồ đề, và đã thuê một người phụ nữ giỏi về chú thuật, dùng bùa chú để giết chết cây Bồ đề. Sau đó không lâu thì cây Bồ đề bị khô héo dần. Việc cây Bồ đề bị khô héo dần đã khiến cho vua A Dục vô cùng buồn khổ, và tuyệt vọng. Trước tâm trạng buồn, tuyệt vọng của vua, hoàng hậu Tissarakkha đã tâu với vua rằng:
– Nếu không còn cây Bồ đề thì thần thiếp sẽ đem niềm an vui đến cho Bệ hạ.
Nhưng vua A Dục đáp lại rằng:
– Cây Bồ đề không phải là một người phụ nữ, nó là một cây xanh mà tại nơi đó Đức Phật đã đạt được quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Sau khi nghe vua giải thích như vậy thì hoàng hậu đã nhận ra được lỗi lầm của mình, liền bí mật triệu mời người phù thủy ấy đến để tìm cách cứu sống cây Bồ đề. Họ đã cho người đào đất ở xung quanh gốc cây lên và dùng hàng nghìn bình sữa để tưới cho gốc cây mỗi ngày. Sau đó không lâu thì cây đã hồi sinh, xanh tươi như cũ.
Đến năm 600 sau Tây lịch, cây Bồ đề lại bị hủy diệt bởi vua Sesanka (Sê san ka), một tín đồ sùng tín của Ấn Độ giáo. Đến năm 620, vua Purnavarma (Pu na va ma) đã cho trồng lại một cây Bồ đề con ngay tại vị trí của cây bồ đề bị hủy diệt trước đó. Trải qua thời gian lâu dài, cùng những tác động của thiên nhiên và của con người, vào năm 1862, theo ghi chép của nhà khảo cổ học người Anh là Cunningham, thì cây Bồ đề lúc ấy đã bị xuống cấp nghiêm trọng, chỉ còn một phần thân cây ngã về phía Tây là còn xanh lá, còn những phần khác thì lá đã úa tàn và thân bị mục nát. Sau đó vài chục năm, một cơn bảo lớn đã làm cho cây Bồ đề bị gãy đổ. Cũng may là người ta đã thu lượm được nhiều hạt giống của nó và đã ươm giống, rồi trồng lại ngay tại vị trí cũ. Cây Bồ đề hiện tại là cây thuộc thế hệ thứ tư của cây Bồ đề nguyên thủy, và nó đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với tín đồ Phật tử trên khắp thế giới, là hình ảnh nhắc nhở chúng ta nhớ về sự chứng ngộ siêu việt của Đức Phật, là biểu tượng của niềm an lạc vô biên, của một tiềm năng siêu tuyệt đang ẩn tàng trong tất cả chúng ta.
Bên dưới gốc cây Bồ đề hiện tại còn có một phiến đá sa thạch đỏ, đây được xem là Kim cương tòa, đánh dấu nơi Đức Phật đã từng tọa thiền và đắc đạo.
Bên cạnh đó, trong khuôn viên của Bồ Đề Đạo Tràng còn có các công trình khác, như là trụ đá của vua A Dục, tháp Animesha Lochana (A ni mê sa Lo cha na), đền Ratanaghara (Ra ta na ga ra), hồ Muchalinda (Mu cha lin đa), công viên Meditation (Me đi thây sần)….
Kể từ ngày được vua A Dục xây dựng cho đến nay, khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng đã trải qua không biết bao nhiêu lần suy tàn, đổ nát, rồi được khôi phục trở lại.
Vào năm 1953, chính quyền Ấn Độ đã chính thức thành lập Ban quản lý khu thánh tích Bồ đề Đạo tràng để quản lý và bảo vệ khu thánh tích. Vào ngày 27 tháng 6 năm 2002, UNESCO đã công nhận Bồ đề Đạo tràng là một di sản của thế giới.
Hiện nay, mỗi năm, có hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới tìm về thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng để chiêm bái. Và hiện có không biết bao nhiêu người đang ngày đêm mong ước được một lần đặt chân đến Bồ Đề Đạo Tràng để được phủ phục trước ngôi tháp Đại giác, để được đảnh lễ tôn tượng của Đức Thế Tôn đang thờ phụng trong tháp, và để được chiêm ngưỡng cây Bồ đề thiêng liêng, được ngồi tĩnh tọa dưới bóng cây thiêng. Nếu ai có điều kiện thì nên một lần đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng. Hãy đến đó để thấy, để tự mình trải nghiệm, để tự mình cảm nhận sự uy nghiêm, thiêng liêng và dồi dào năng lượng tâm linh của khu thánh tích quan trọng bậc nhất trong Phật giáo này. Cầu chúc cho tất cả mọi người có đủ duyên lành để được đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng thiêng liêng.
Minh Nguyên