Bồ tát Quan Thế Âm, còn được gọi là Bồ tát Quán Tự Tại, là một vị Bồ Tát rất gần gũi với người Việt Nam chúng ta. Đặc biệt, người Việt nam chúng ta thường biết đến Bồ Tát Quan Thế Âm trong thân tướng của một người nữ, nên người Việt còn gọi ngài với một tên gọi thân thương là Mẹ hiền Quan Thế Âm. Tuy nhiên, nhiều kinh điển của Phật giáo lại nói đến Bồ tát Quan Thế Âm với hình tướng nam giới. Bồ tát Quán Thế Âm tượng trưng cho lòng từ bi, cứu khổ.
Danh hiệu Quan Thế Âm của Ngài có một ý nghĩa rất đặc biệt: Quan (còn có âm là Quán, cho nên còn được gọi là Quán Thế Âm) là chỉ về sự quan sát, tìm hiểu để biết rõ ràng. Thế là thế gian, cuộc đời, suộc sống trong nhân gian. Âm là âm thanh, là tiếng kêu cứu, thỉnh cầu của những chúng sinh đang đau khổ. Như vậy, Quán Thế Âm Bồ Tát là vị Bồ Tát luôn quan sát, lắng nghe tiếng kêu cứu khổ của chúng sinh trong nhân gian để đến cứu. Với lòng từ bi, vị tha Ngài cứu tất cả chúng sanh, không phân biệt ai cả, giống như người mẹ luôn bảo vệ con của mình. Và tinh thần từ bi, cứu khổ, cứu nạn ấy luôn được coi là hạnh nguyện đặc trưng của Bồ tát Quán Thế Âm.
Chính vì thế mà người đời đã xưng tụng Ngài Quan Thế Âm rằng:
“Hữu duyên với cõi Ta bà
Bồ Tát Quán Thế vào nhà thế gian
Giúp an những kẻ lầm than
Tín sâu nguyện thiết bình an tâm hồn”.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, có nêu rất rõ và rất ấn tượng về hạnh nguyện cứu khổ, cứu nạn của Bồ tát Quan Thế Âm. Ngài tùy duyên mà ứng hiện ra các hình tướng khác nhau để cứu khổ, độ sanh. Phật dạy rằng: “Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh chịu các khổ não, nhất tâm xưng danh hiệu Quan Thế Âm. Bồ Tát tức thời quan sát âm thanh, khiến được giải thoát”.
Ngài Quan Thế Âm hóa hiện ra muôn ức thân để cứu giúp mọi loài chúng sanh ở khắp các cõi nước như thế nên đã được Đức Phật Thích Ca khen ngợi trong Kinh Pháp Hoa rằng:
“Chúng sinh bị khốn ách,
Vô lượng khổ bức thân,
Sức diệu trí Quán Âm,
Hay cứu khổ thế gian.
Đầy đủ sức thần thông,
Rộng tu trí phương tiện,
Khắp mười phương cõi nước,
Nơi nào cũng hiện thân”.
Một trong những hình tượng rất độc đáo của Bồ tát Quan Thế Âm là hình tượng Ngài có đến nghìn tay và nghìn mắt. Người ta dựa vào hạnh nguyên của Ngài để tạo ra hình tượng này. Nghìn mắt là để quan sát và nhìn khắp mọi nơi để có thể biết chúng sanh nơi nào đang gặp khổ nạn. Nghìn tay là để có thể cứu khổ muôn vàn chúng sanh trong sanh tử luân hồi.
Chính vì hạnh nguyện cứu khổ, ban vui và sự ứng hóa khôn cùng của Bồ tát Quán Thế Âm như thế, nên mọi người thường phụng thờ Ngài và trì niệm danh hiệu Ngài, nhất là những lúc gặp nguy nan. Hình tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cũng đã đi vào trong Trong kho tàng Văn học Việt Nam, thể hiện sự tích Quan Âm Thị Kính, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Nam Hải… Và hằng năm, mọi người thường tổ chức lễ kỷ niệm rất trang nghiêm nhân ngày vía của Bồ tát Quan Thế Âm. Người Việt Nam chúng ta thường tổ chức lễ vía Bồ tát Quán Thế Âm vào ba ngày:
– Ngày 19/02: là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm đản sanh.
– Ngày 19/06: là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo.
– Ngày 19/09: là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm xuất gia.
Để cho đời sống được an vui, mình và người đều được lợi lạc thì trong cuộc sống hằng ngày, mỗi người nên cố gắng tu tập, học theo các hạnh nguyện của Ngài, thực tập các hạnh nguyện của Ngài, nhất là vào những ngày vía của Ngài thì càng phải chuyên tâm hơn, cụ thể là:
– Nên phát nguyện ăn chay, đến chùa lễ Phật, cầu nguyện.
– Trì tụng chú Đại bi, kinh Phổ Môn và trì niệm danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm.
– Phát tâm ấn tống kinh sách, làm việc thiện, phóng sinh để tạo thêm phước lành.
– Tập cách lắng nghe để hiểu thấu và yêu thương người khác, bao dung và tha thứ cho người khác.
Lễ phẩm để dâng cúng Bồ tát Quán Thế Âm trong các ngày lễ vía của Ngài thì nên là các lễ phẩm chay tịnh, như là: Hương, hoa, đèn, nến, các loại trái cây, các loại thực phẩm chay.